(Xây dựng) - Đó là mô hình nghiên cứu thực nghiệm đang được Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Nuiphao Mining) hợp tác với Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội triển khai nhằm đánh giá khả năng hấp thụ các kim loại nặng có trong nước thải tại doanh nghiệp khai khoáng này.
Các bè thủy trúc đã được trồng tại khu vực xả thải của Nuiphao Mining. |
Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo do Nuiphao Mining thực hiện là dự án khai thác và chế biến khoáng sản lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới hơn 500 triệu USD và là một trong những đơn vị có hoạt động xả nước thải với lưu lượng lớn (trung bình khoảng 18.000m3/ngày đêm).
Từ năm 2015, Nuiphao Mining đã bắt đầu xây dựng công trình bãi lọc bằng thực vật để cải thiện chất lượng nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường. Giải pháp này của Nuiphao Mining là một mô hình xử lý nước thải thân thiện với môi trường nhờ khả năng hấp thụ và chuyển hóa nhu cầu oxy sinh học (BOD), nhu cầu oxy hóa học (COD) và các kim loại nặng khác trong nước thải của một số loại thực vật, nhằm giảm nồng độ của chúng trước khi thải ra ngoài môi trường.
Ban đầu, cỏ vetiver được lựa chọn và trồng trực tiếp xuống đất, sau đó được cải tiến bằng cách trồng trên các bè nổi cùng với cây thủy trúc. Cây thủy trúc (tên khoa học Cyperus alternifolius) là một loại thực vật thuộc họ cói, có thân tròn cứng cáp, lá dài mỏng, bề mặt nhẵn bóng. Thủy trúc mọc theo bụi dày từ thân đến lá bao phủ một màu xanh lục, sinh trưởng với tốc độ rất nhanh, đặc biệt là trong môi trường nước. Loại cây này được biết đến với tác dụng giảm độ đục, giảm mùi hôi cũng như hấp thụ kim loại nặng trong nước thải.
So sánh thực tế giữa cỏ vetiver và cây thủy trúc khi trồng trong môi trường nước thải cho thấy, cây thủy trúc có khả năng sinh trưởng và phát triển vượt trội so với cỏ vetiver. Các bè thủy trúc sinh trưởng tốt, cho sinh khối thực vật cao, hệ rễ phát triển mạnh, vừa có tác dụng lọc nước vừa tạo môi trường sống cho các loài động vật thủy sinh. Do đó, đến năm 2018, Nuiphao Mining đã dần dần thay thế toàn bộ cỏ vetiver bằng cây thủy trúc (được nhân giống từ thân và lá).
Các bè thủy trúc chụp từ trên cao tại khu vực cửa xả nước thải đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép. |
Nhằm có những kết luận chính xác, định lượng về khả năng hấp thụ kim loại nặng của cây thủy trúc, đầu năm 2020, Nuiphao Mining đã hợp tác với Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội triển khai mô hình nghiên cứu thực nghiệm để đánh giá khả năng hấp thụ các kim loại nặng có trong nước thải của cây thủy trúc tại công ty.
Được biết, mô hình nghiên cứu thực nghiệm sẽ được thực hiện trong môi trường nước thải và môi trường nước mặt nằm ngoài khu vực nhà máy để làm kết quả đối chứng, thời gian nghiên cứu dự kiến kéo dài trong khoảng một năm.
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm sẽ giúp Nuiphao Mining đánh giá được khả năng hấp thụ kim loại nặng của cây thủy trúc cũng như có biện pháp quản lý phù hợp khi thu hoạch sinh khối cây; đồng thời, có thể nhân rộng mô hình nếu khả năng hấp thụ kim loại của cây thủy trúc luôn được duy trì và đạt hiệu quả cao.
Nguyễn Thành
Theo