(Xây dựng) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa ký Quyết định 42/QĐ-BCĐCCHC ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 với mục đích nhằm nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính của các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, tạo đột phá trong cải cách hành chính năm 2024.
Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính. |
Theo Kế hoạch, Thủ tướng yêu cầu tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính. Trong xây dựng thể chế, chính sách, các Bộ, ngành, địa phương cần nâng cao chất lượng thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ, khả thi; ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết; tăng cường nguồn lực và kinh phí cho công tác tư pháp.
Rà soát, sớm phát hiện và có biện pháp khắc phục các quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển. Ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ khung khổ pháp lý thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thực hiện có hiệu quả Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027" ban hành kèm theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực được xác định là trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024, phù hợp với nhiệm vụ chung của cả giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện tốt Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024. Tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất các giải pháp nhằm nâng cao điểm số và nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (Chỉ số Bl). Nghiên cứu, xây dựng chế độ, chính sách đặc thù cho người làm công tác thể chế.
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, các bộ, ngành rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh đang là rào cản, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong đó tập trung ưu tiên rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Chủ động nghiên cứu, rà soát, kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn. Rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung...
Đáng chú ý, về cải cách chế độ công vụ, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng thực thi công vụ và cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền.
Bộ Nội vụ hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp phó tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ; Nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Huy Trung
Theo