(Xây dựng) - Xe cấp cứu bị chặn đầu, tấn công tại Trà Vinh là xe của đơn vị tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh được cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh dưới hình thức cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh; thời gian làm việc 24/24 giờ mỗi ngày.
Hình ảnh nam thanh niên chặn đường, tấn công xe cứu thương khiến dư luận lên án. |
Liên quan đến việc xe cấp cứu đang chở bệnh nhân từ Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) về Bệnh viện Đa khoa Thiên Ân (thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) bị một nam thanh niên chặn đường, tấn công khiến dư luận lên án mấy ngày qua, mới đây có nhiều ý kiến trái chiều về nguồn gốc của xe cứu thương này, phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu.
Theo đó, xe cứu thương mang biển kiểm soát 51B-017.73 bị một nam thanh niên chặn đường, ném đá vỡ kính chắn gió gần cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh là xe cấp cứu của Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh (thuộc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Cường Phúc Thọ). Cơ sở này có địa chỉ đăng ký tại 18/185 Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 23/12/2022, ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp giấp phép hoạt động khám chữa bệnh số 08351/HCM-GPHĐ cho cơ sở này, với hình thức là cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh; thời gian làm việc 24/24 giờ mỗi ngày.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Cường – Quản lý Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Cường Phúc Thọ cho biết: “Xe cấp cứu của công ty tôi được cấp phép hoạt động theo đúng quy định chứ không phải xe không phép như một số thông tin trái chiều trên mạng”.
Công an vào cuộc sau vụ xe cứu thương bị chặn đường, ném đá vỡ kính chắn gió gần cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh. |
Theo ông Cường, để phục vụ hoạt động cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân 24/24 giờ, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Cường Phúc Thọ đã bố trí thường xuyên 2 bác sĩ chuyên Khoa 1 Hồi sức cấp cứu và 2 Điều dưỡng cử nhân Hồi sức cấp cứu. Đồng thời, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Cường Phúc Thọ cũng tham gia hỗ trợ, giúp đỡ Bệnh viện Chợ Rẫy trong việc giảm tải, vận chuyển người bệnh xuất viện khi có nhu cầu.
“Chúng tôi là đơn vị đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh được cấp phép hoạt động 24/24 giờ. Các cơ sở khác chỉ được cấp phép hoạt động ngoài giờ, trong khung giờ từ 17giờ đến 23 giờ hằng ngày”, ông Cường nói thêm.
Giấp phép hoạt động khám chữa bệnh do ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cấp. |
Trước đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc sử dụng xe cứu thương, hỗ trợ vận chuyển người bệnh đi cấp cứu phải nằm trong danh mục kỹ thuật được phê duyệt bởi Sở này. Cụ thể, ngoài các bệnh viện và phòng khám đa khoa được phép sử dụng xe cứu thương, hỗ trợ vận chuyển người bệnh đi cấp cứu, hiện Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cấp phép hoạt động cho 9 cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.
Danh sách 9 cơ sở được phép cung cấp dịch vụ hỗ trợ, vận chuyển cấp cứu tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh; Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt (Quận 8); Chi nhánh Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ vận chuyển 299 (huyện Củ Chi); Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Cường Phúc Thọ (Quận 3); Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nam Vĩnh Xuân (Quận 4); Công ty TNHH 115 Sài Gòn (Quận 10); Công ty TNHH 115 Toàn quốc (Quận 8); Công ty TNHH Phòng khám Gia đình (Quận 1); Công ty TNHH hạn 115 Xuyên Á (quận Tân Bình).
Thiên Nam
Theo