(Xây dựng) – Sau khi điều tra, đánh giá, các cơ quan chức năng cho biết, vụ sạt lở trên núi Bà Đen (Tây Ninh) không phải do sạt lở tự nhiên như nhận định ban đầu.
Hình ảnh khu vực sạt lở (Ảnh: Báo Tây Ninh). |
Trước đó, chiều 14/11, người dân sinh sống quanh khu vực núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) nghe thấy những tiếng ầm ầm, kèm theo đó là nước cuồn cuộn cùng với đất đá đổ từ đỉnh xuống hướng chân núi Bà Đen.
Được biết, ngay khi nhận thông tin sạt lở cục bộ tại núi Bà Đen, Ban Quản lý núi Bà Đen cùng với cơ quan liên ngành tại địa phương đã có mặt tại hiện trường tìm hiểu sự việc, đánh giá hiện trạng và bàn giải pháp khắc phục.
Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen đã cùng với Chi cục Kiểm lâm tiến hành điều tra nguyên nhân. Bước đầu xác định, thời gian qua có một khối lượng lớn đất, đá được tập kết để phục vụ thi công các công trình xây dựng hạng mục cảnh quan trên đỉnh núi. Khi gặp mưa lớn kéo dài nhiều ngày, lượng đất đá này bị đẩy trôi, tạo thành dòng bùn đất chảy thành vệt dài, từ khu vực đang thi công xuống lưng chừng sườn núi phía Đông.
Vụ việc không gây thiệt hại về người, tuy nhiên đã vùi lấp một phần diện tích đất, cây trồng của một số hộ dân trong khu vực.
Tuy nhiên, hiện trường vụ sạt lở vẫn còn nước bùn trơn trượt, do đó đoàn kiểm tra chưa thể thống kê được cụ thể số lượng và loại cây bị thiệt hại. Những ngày tới, đoàn sẽ tiếp tục kiểm tra, báo cáo và đề xuất các phương án khắc phục. Đồng thời, phối hợp cùng các cơ quan ban, ngành nắm bắt tình hình và ngăn ngừa những diễn biến phát sinh.
Núi Bà Đen cao 986m, ngọn núi cao nhất Đông Nam bộ, biểu tượng cho mảnh đất và con người Tây Ninh. Núi nằm cách trung tâm Thành phố Tây Ninh 11 km, cách biên giới Việt Nam - Campuchia 52 km. Núi Bà Đen có diện tích 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành là Núi Heo, Núi Phụng, núi Bà Đen. |
PV
Theo