(Xây dựng) - Hệ thống cáp điện lực, viễn thông, truyền hình lộ thiên là mối bất cập, hiểm họa, mất mỹ quan ví như những “mạng nhện” chằng chịt đang được thành phố Vũng Tàu tháo gỡ, chuyển đổi sang hạ ngầm, từng bước đưa Vũng Tàu trở thành thành phố du lịch hiện đại, văn minh.
Không gian tuyến đường Lê Hồng Phong, thành phố Vũng Tàu đã được “giải phóng”. |
“Giải phóng” không gian chằng chịt
Trên địa bàn thành phố Vũng Tàu có 271 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 230km (không tính 1.209 hẻm với tổng chiều dài 196km), có hệ thống lưới điện hạ thế đi nổi treo trên các trụ bê tông. Cùng đi chung trên các cột điện này là dây cáp của các đơn vị viễn thông, truyền hình cáp. Do nhu cầu sử dụng các dịch vụ của người dân ngày càng tăng nên hệ thống dây lộ thiên đấu nối vào cột điện ngày càng chằng chịt, gây mất mỹ quan và không đảm bảo an toàn. Thực tế, hệ thống thiết bị hạ tầng đi nổi thiếu quy củ không còn phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, công nghệ thông tin hiện nay.
Với vị trí chiến lược phát triển du lịch, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sớm nhận diện về sự cần thiết phải thực hiện giải pháp ngầm hóa các thiết bị hạ tầng cho các đô thị trung tâm trong đó có thành phố Vũng Tàu. Theo quy hoạch tổng thể tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2025 “việc quy hoạch toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị của thành phố Vũng Tàu phải được đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải tạo theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại”.
Từ những đánh giá hiện trạng và trên cơ sở quy hoạch tổng thể, từ cuối năm 2017, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Quyết đinh số 3089/QĐ-UBND, phê duyệt “Dự án đầu tư phát triển lưới điện ngầm khu vực trung tâm thành phố Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020” bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Để việc ngầm hóa được đồng bộ, UBND thành phố Vũng Tàu yêu cầu các nhà mạng, truyền hình cáp đầu tư kinh phí hạ ngầm đồng thời cáp viễn thông, truyền hình nhằm góp phần chỉnh trang đô thị và phát triển du lịch. Có 5-7 đơn vị khai thác dịch vụ viễn thông, truyền hình tại đây được yêu cầu chuyển đổi như: VNPT, Viettel, FPT, VTV cap, SCTV…
Hầu hết các đơn vị đều ủng hộ và đồng thuận với chủ trương ngầm hóa này. Kết quả cho thấy, giai đoạn 2016-2020, thành phố Vũng Tàu đã có 8 tuyến đường trung tâm hoàn thành việc thi công hạ ngầm các thiết bị hạ tầng (cáp điện lực, viễn thông, truyền hình) đó là: Ba Cu, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lê Văn Tám, Thống Nhất Mới, Hoàng Hoa Thám, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thái Học.
Công ty Điện lực Bà Rịa –Vũng Tàu đã chuyển đổi lưới điện vào vận hành hệ thống ngầm, thu hồi dây và trụ lộ thiên. Các nhà mạng chậm trễ hơn nhưng cũng đang trong quá trình chuyển đổi.
Sau khi 8 tuyến đường trên được đầu tư, tháng 8/2021, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục phê duyệt “Dự án ngầm hóa lưới điện hạ thế khu vực trung tâm thành phố Vũng Tàu giai đoạn 2021-2025” với tổng mức đầu tư gần 202 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, đối với 7 tuyến đường: Thùy Vân (622m), Nguyễn Văn Trỗi (774m), Nguyễn An Ninh (3.130m), Phan Chu Trinh (2.150m), Trương Công Định (3.494 m), Võ Thị Sáu (2.220m) , Lê Lợi (2.999m). Dự án chia làm 3 phân kỳ đầu tư, trong đó giai đoạn 2021-2022, ngầm hóa tại các tuyến đường Nguyễn An Ninh, Võ Thị Sáu, Lê Lợi; giai đoạn 2022-2023, ngầm hóa tại các tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, Trương Công Định và giai đoạn 2023-2024, ngầm hóa tại các tuyến đường Phan Chu Trinh, Thùy Vân.
Đại diện chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng 1, thành phố Vũng Tàu cho biết: Đến nay, thành phố đã thực hiện thi công hạ ngầm 4/7 tuyến đường trên, tiến độ đạt 60% và đảm bảo hoàn thành toàn dự án đúng thời gian quy định vào năm 2025.
Giải pháp tối ưu cho bức tranh đô thị
“Đường Lê Hồng Phong một trong những trục chính, trung tâm của thành phố Vũng Tàu dài khoảng 4km nối từ bùng binh Đài Liệt sĩ đến đường Lê Lợi, tháng trước vẫn còn là nỗi ám ảnh của người dân vì dây cáp viễn thông, truyền hình chằng chịt, trùng võng dọc tuyến phố thì nay đã được “giải phóng” hoàn toàn. Không gian đô thị như vừa được “cởi trói”, thông thoáng hơn hẳn”, một người dân bày tỏ.
Việc ngầm hóa chỉnh trang đô thị được ví như “cuộc đại phẫu thẩm mỹ” cho đô thị. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đầu tư kinh phí hạ ngầm điện hạ thế còn lại các đơn vị cung cấp dịch vụ tự bỏ vốn đầu tư hạ ngầm cáp viễn thông, truyền hình. Để tránh việc đào bới nhiều lần, các đơn vị phối hợp để thi công cùng thời điểm.
Ống kỹ thuật đi ngầm chờ đấu nối. |
Có thể hiểu rằng, nếu 5 nhà mạng tham gia thực hiện ngầm hóa cùng địa phương đồng nghĩa với việc thêm 5 tiểu dự án “5 trong 1”. Do đó việc nhanh hay chậm còn phụ thuộc rất nhiều vào quá trình phê duyệt đầu tư của từng đơn vị chủ quản nhà mạng.
Ông Đoàn Hải Linh - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 1, thành phố Vũng Tàu cho biết: “Do nhiều đơn vị cùng tham gia thi công hạ ngầm một lúc nên có những vấn đề phát sinh, việc phụ thuộc lẫn nhau, ảnh hưởng đến tiến độ dự án là điều khó tránh khỏi. Các bên phải ngồi lại với nhau rất nhiều cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, mọi việc mới dần đi vào nền nếp”.
Ông Đoàn Hoài Nam - Trưởng phòng Kỹ thuật đầu tư, viễn thông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (VNPT) cho rằng: “Việc đầu tư hạ ngầm là cần thiết, các nhà mạng đều ủng hộ. Tuy nhiên, với cách làm hiện nay, ba, bốn nhà mạng cùng thi công, mỗi nhà mạng lại đầu tư một tuyến ống rất bất cập, liên quan đến việc chuẩn bị kế hoạch, nhân lực, vật tư, vốn trình cấp trên phê duyệt… khi thi công cũng phải chờ đợi nhau”. Vì vậy, ông Nam đề xuất: “Tỉnh nên đầu tư toàn bộ hệ thống ngầm, các nhà mạng đi dây trong đó phải trả tiền thuê, như vậy sẽ đồng bộ hơn”.
Được biết cuối năm 2022 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu đã ký tờ trình gửi cấp thẩm quyền của tỉnh xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn trong đó có đề cập ngầm hóa cả lưới điện hạ thế và đầu tư hệ thống ống kỹ thuật cho cáp viễn thông, truyền hình dưới vỉa hè các tuyến đường: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Tri Phương, Huyền Trân Công Chúa, Lê Quang Định, Lê Văn Lộc, Lê Lai với tổng mức đầu tư gần 271 tỷ đồng.
Nếu nội dung này sớm được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp thuận chủ trương, phê duyệt dự án đầu tư thì thành phố Vũng Tàu sẽ cơ bản “xóa sổ” hệ thống dây lộ thiên khu vực trung tâm thành phố, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa thành phố Vũng Tàu trở thành đô thị du lịch biển văn minh và bền vững mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Vũng Tàu lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Việc ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông không chỉ làm đẹp bộ mặt đô thị mà còn giúp nâng cao chất lượng dịch vụ điện lưới, viễn thông trong công tác quản lý vận hành, đảm bảo an toàn, giảm yếu tố tác động từ bên ngoài có thể dẫn đến sự cố như thiên tai, sét đánh, cây xanh đổ ngã, động vật cắn...
Người dân thành phố Vũng Tàu cũng rất trông đợi vào sự chỉ đạo kịp thời của cơ quan quản lý nhằm đẩy nhanh tiến độ ngầm hóa, thu hồi dây hiện hữu, chỉnh trang đô thị, xây dựng hình ảnh thành phố du lịch xanh, sạch, đẹp.
Phương Huyền
Theo