Theo Công ty Savills Việt Nam, các phân khúc văn phòng, bất động sản công nghiệp, căn hộ dịch vụ được thúc đẩy tích cực nhờ xu hướng vốn FDI tập trung đổ vào sản xuất công nghệ cao.
Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Mặc dù không có nhiều khoản đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản từ đầu năm 2024 đến nay, tuy nhiên theo Công ty Savills Việt Nam, việc vốn FDI tập trung vào sản xuất công nghệ cao là một tín hiệu đáng mừng.
Qua đó, các phân khúc văn phòng, bất động sản công nghiệp, căn hộ dịch vụ được thúc đẩy tích cực nhờ xu hướng này.
Vốn FDI “đổ” vào sản xuất
Số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến cuối tháng 9/2024 đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tại khu vực phía Nam, vốn FDI tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong xúc tiến đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Ninh Thuận.
Nhận định về bức tranh tổng quan của FDI, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng không có nhiều hoạt động đáng kể về FDI trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là trong quý 3/2024 vừa qua.
Phần lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, điều đáng mừng là cấu trúc đầu tư vào sản xuất đã có sự chuyển dịch tích cực. Thay vì tập trung vào các ngành truyền thống như dệt may, gỗ, thị trường đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể của các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, sản xuất linh kiện.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện tại, nhiều doanh nghiệp có xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng hoặc rút hoàn toàn dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, do chi phí nhân công và sản xuất tại quốc gia này không còn duy trì được tính cạnh tranh như trước.
Trong bối cảnh này, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn nhờ vị trí chiến lược tại trung tâm Đông Nam Á. Đồng thời, Việt Nam có lợi thế về chi phí nhân công, với mức thu nhập trung bình của ngành sản xuất là 329 USD/tháng, thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực. So sánh với các nước lân cận, con số này chỉ cao hơn Indonesia và thấp hơn Trung Quốc khoảng 3,4 lần.
Theo các chuyên gia Savills Việt Nam, sự chuyển dịch này không chỉ mang lại nguồn vốn đầu tư lớn mà còn góp phần nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang dần chuyển mình từ một điểm đến đầu tư giá rẻ sang một trung tâm sản xuất công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn hơn.
Nhiều phân khúc bất động sản hưởng lợi từ nguồn vốn FDI
Trên cơ sở nguồn vốn FDI đổ mạnh vào lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam, nhiều phân khúc bất động sản như văn phòng, căn hộ dịch vụ và công nghiệp được hỗ trợ, hưởng lợi tích cực với nhu cầu gia tăng.
Sản xuất linh kiện điện tử. (Nguồn: TTXVN) |
Theo khảo sát của Savills trong báo cáo thị trường mới công bố về các giao dịch thuê văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong quý 3/2024, phần lớn (chiếm 73%) các giao dịch nhằm mục đích di dời đến các tòa nhà có chất lượng tốt hơn. Ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản (FIRE) dẫn đầu với 39% thị phần giao dịch, tiếp theo là công nghệ thông tin-truyền thông (ICT) với 31% và sản xuất với 13%.
Về khách thuê, phần lớn đến từ các công ty nước ngoài, chủ yếu từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi các công ty trong nước chỉ chiếm 25%. Mặt khác, chứng nhận xanh đang là mối quan tâm của các dự án văn phòng cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh khi 63% nguồn cung hạng A và B sắp khai trương sẽ tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn này để đáp ứng cho các khách thuê lớn nước ngoài.
Đối với phân khúc căn hộ dịch vụ, tại khu vực phía Nam, khách thuê mục tiêu chủ yếu là chuyên gia và khách công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.
Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu lưu trú của các chuyên gia, tuy nhiên, vốn FDI tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có xu hướng giảm.
Theo số liệu cập nhật trong 8 tháng năm 2024, tổng vốn FDI vào Thành phố Hồ Chí Minh giảm 11% theo năm xuống còn 1,8 tỷ USD, trong khi Đồng Nai tăng 41% theo năm lên 1,3 tỷ USD và Bình Dương tăng 7% theo năm lên 1,4 tỷ USD.
Dưới góc nhìn tổng thể hơn, theo Công ty Avison Young Việt Nam, thị trường căn hộ dịch vụ tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, nhờ vào nhiều yếu tố như sự gia tăng chuyên gia quốc tế, được thúc đẩy bởi lượng vốn FDI và sự mở rộng của các công ty đa quốc gia.
Ngoài ra, sự phát triển của ngành du lịch cũng khiến căn hộ dịch vụ trở thành sự lựa chọn ưu tiên của những du khách tìm kiếm chỗ ở rộng rãi và đầy đủ tiện nghi hơn so với khách sạn truyền thống.
Ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp tại Avison Young Việt Nam nhận định: “Việt Nam đang nỗ lực thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao và khả năng tiêu thụ năng lượng hiệu quả cũng như trách nhiệm đối với môi trường là các điều kiện then chốt để nhà đầu tư công nghệ cao cân nhắc thuê đất. Các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp vì vậy cần tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở và đa dạng hóa dịch vụ để thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam hấp dẫn hơn và cạnh tranh hơn trong khu vực.
Theo Knight Frank Việt Nam, tại khu vực phía Nam, phân khúc bất động sản khu công nghiệp cũng có dấu hiệu tăng trưởng, đạt tỷ lệ hấp thụ thuần 83 ha trong quý 3, tăng 14,7% so với quý 2.
Các tỉnh Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương đang nổi lên như điểm sáng đầu tư, thu hút nhiều doanh nghiệp, ngành nghề đa dạng. Vị trí chiến lược của vùng, sự cải thiện về cơ sở hạ tầng, và chính sách ưu đãi sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Alex Crane, Giám đốc Điều hành Knight Frank Việt Nam chia sẻ nhà xưởng xây sẵn tiếp tục được phát triển và khai thác là một tín hiệu tích cực, giúp khách thuê có thêm lựa chọn khi cân nhắc Việt Nam như một điểm đến phù hợp để đầu tư hoặc mở rộng kinh doanh.
Cạnh tranh giữa các chủ nhà xưởng cho thuê sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho khách thuê cũng như kích thích tăng trưởng. Hiện có rất nhiều lựa chọn thuê mặt bằng công nghiệp, gồm cả những dự án có chứng nhận bảo vệ môi trường.
Điều này sẽ giúp Việt Nam hội nhập ngày càng tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.
Theo A.Tuấn/(TTXVN/Vietnam+)
Link gốc: