(Xây dựng) - Từ năm 2010 đến nay, Nhà nước định hướng phát triển VLXD theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hướng đến sản xuất sạch, sản phẩm thân thiện. Tuy có nhiều thành tựu trong lĩnh vực sản xuất này nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Ông Lê Văn Tới. |
Thực trạng đầu tư, sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện
Các văn bản pháp luật hiện hành quy định VLXD thân thiện là đối tượng được chú ý cả tới quá trình sản xuất, có các thuộc tính mà VLXD truyền thống không có như mang lại hiệu quả cao hơn cho ngôi nhà, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng sống cho người sử dụng. Trong quá trình sản xuất giảm thiểu sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên khoáng sản, giảm thiểu chất thải, giảm thiểu ô nhiễm và những tác động hủy hoại môi trường. Trong quá trình sản xuất, tham gia tích cực vào việc xử lý chất thải của ngành sản xuất khác. Để thực hiện được những quy định trên là một quá trình khó khăn, cam go.
Thống kê cho thấy, kết quả trong đầu tư sản xuất VLXD thân thiện như: Dây chuyền sản xuất kính phủ Low-e của Viglacera đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 7/2016, với công suất 2,3 triệu m2/năm. Chưa có dự án sản xuất VLXD sử dụng rác thải sinh hoạt làm nhiên liệu.
Về chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020, mục tiêu đề ra là “Phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 - 25% vào năm 2015, 30 - 40% vào năm 2020”. Nhưng, thực tế tới năm 2015 cả nước đã đầu tư trên 2 ngàn dây chuyền sản xuất gạch block bê tông (gạch xi măng cốt liệu), trong đó gần 150 dây chuyền khoảng trên 10 triệu viên/năm và 13 dây chuyền gạch bê tông khí chưng áp. Chỉ tính 3 loại VLXKN cơ bản là block bê tông, AAC và bê tông bọt, cả nước đã có tổng công suất là 6,5 tỷ viên QTC. Công suất đó vượt chỉ tiêu của năm 2020…
Từ đầu năm 2020 cả nước bị ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, các ngành sản xuất bị đình trệ, trong đó có ngành Xây dựng và lĩnh vực VLXD. Các cơ sở sản xuất không được khai thác hết công suất do việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn, việc đầu tư mới các cơ sở sản xuất VLXKN cũng chững lại.
Hiện nay, ngày càng có nhiều khối nhà cao tầng sử dụng kính tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên chưa phải tất cả các chủ đầu tư, tại mọi dự án nhà cao tầng đều sử dụng, trong khi Quy chuẩn Việt Nam số 09/2013/BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, đã quy định việc hạn chế bức xạ mặt trời.
Về tiêu thụ VLXKN, theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng, nếu tính bình quân cả nước và các loại VLXKN nói chung thì con số sử dụng năm 2015 là 4,98 tỷ viên QTC trên tổng số 23 tỷ viên vật liệu xây được sử dụng, đạt 21%. Như vậy, chỉ tiêu thứ nhất của Chương trình 567 là tỷ lệ sử dụng bình quân trong cả nước đã đạt (Chương trình đề ra là trên 20%).
Tỷ lệ gạch nhẹ đang ở tỷ lệ thấp, khoảng gần 10% trên tổng số VLXKN, mà mục tiêu đề ra là trên 20%. Đây là chỉ tiêu quan trọng thứ hai trong Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng là tiêu chí quan trọng, nhằm khuyến khích tạo ra công trình xanh.
Ngoài tính năng vượt trội khác như nhẹ, dễ xây, tạo tính công nghiệp hóa cao trong sản xuất và sử dụng… VLXKN loại nhẹ có độ cách âm lớn, độ truyền nhiệt rất thấp. Hai tiêu chí này khiến cho người sống trong tòa nhà được khỏe khoắn và thoải mái hơn. Đặc biệt, độ truyền nhiệt thấp của gạch bê tông khí chưng áp giúp tòa nhà có thể tiết kiệm tới 40% năng lượng để sưởi nóng vào mùa đông và làm mát vào mùa hè. Người sống trong căn hộ được xây bởi gạch bê tông khí chưng áp thì cảm nhận rất rõ điều này.
Từ năm 2016 - 2018 lượng VLXKN được đưa vào sử dụng đã tăng so với năm 2015. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực trạng là tỷ lệ sử dụng VLXKN loại nhẹ còn thấp so với chỉ tiêu đề ra. Từ năm 2019, lượng VLXKN được đưa vào sử dụng bị giảm dần. Từ năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ VLXD nói chung và vật liệu xây nói riêng giảm đáng kể. Nhưng tỷ lệ sử dụng VLXKN trong tổng số vật liệu xây giảm một cách nhanh chóng.
Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng, năm 2021, cả nước tiêu thụ tổng cộng 21,75 tỷ viên quy tiêu chuẩn, trong đó VLXKN 3,35 tỷ viên QTC, chiếm 15,4%. 8 tháng đầu năm 2022 cả nước tiêu thụ tổng cộng 11,94 tỷ viên QTC, trong đó VLXKN 1,94 tỷ viên chiếm 16,25%.
Như vậy đối chiếu với tỷ lệ sử dụng VLXKN năm 2015 và Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 đã được phê duyệt bởi Quyết định 567/QĐ- TTg ngày 28/4/2010 và Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2030 đã được phê duyệt bởi Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 thì con số sử dụng thực tế còn rất xa với mục tiêu Chương trình.
Nguyên nhân và giải pháp
Có nhiều nguyên nhân khiến việc sản xuất và sử dụng VLXD thân thiện chưa được như kỳ vọng. Mỗi giai đoạn có những khó khăn riêng. Khó khăn của giai đoạn 2010 - 2015 là mọi người chưa quen với việc sản xuất và sử dụng đại trà VLXKN. Tuy nhiên, giai đoạn này, nhờ sự chỉ đạo thông suốt từ Trung ương đến địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành, nên tỷ lệ sử dụng VLXKN vẫn tăng, đã đạt mục tiêu đề ra trong Quyết định 567. Nhưng sau đó tỷ lệ sử dụng VLXKN trên cả nước bị giảm. Nguyên nhân chính, cốt lõi là: Chỉ đạo của các cấp các ngành chưa kiên quyết. Thiếu quy định ở các văn bản pháp luật cấp cao như nghị định, luật. Công tác tuyên truyền chưa liên tục, chưa đủ mạnh.
Giải pháp nào để việc sản xuất và sử dụng VLXD thân thiện được như định hướng? Đó là, Nhà nước cần phải có biện pháp hành chính cần thiết, được quy định trong văn bản pháp luật, ít nhất là trong Nghị định, để thúc đẩy sử dụng VLXD thân thiện. Bên cạnh đó, phải thay đổi trong công tác chỉ đạo thực hiện: Cần nhất quán, quyết liệt hơn; gắn trách nhiệm cho địa phương, có kiểm tra, khen thưởng địa phương làm tốt, có phê bình đối với địa phương thực hiện chưa tốt… Công tác tuyên truyền cần được coi trọng và mạnh mẽ hơn.
Các giải pháp mang tính kỹ thuật, chuyên sâu: Về khung kỹ thuật, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, đến việc sử dụng VLXD thân thiện. Đặc biệt đối với công trình “xanh” cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể.
Về đào tạo, phải có chương trình giảng dạy tại các trường chuyên ngành xây dựng về thiết kế, thi công sử dụng VLXD thân thiện; Cần cập nhật, cải tiến trong biên soạn giáo trình. Khuyến khích, hỗ trợ các trường, trung tâm dạy nghề mở các khóa đào tạo ngắn hạn kỹ thuật cho công nhân sử dụng VLXKN.
Về công nghệ thi công, cần bổ sung chính sách để khuyến khích sử dụng công nghệ thi công tiên tiến, nhằm tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động trong sử dụng VLXD thân thiện.
ThS Lê Văn Tới
Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam
Nguyên Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng
Theo