(Xây dựng) - Để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (CQG), huyện Vĩnh Tường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao; xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể; ưu tiên nguồn lực tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên... trong hệ thống các trường, góp phần hoàn thành, nâng cao chất lượng hạ tầng nông thôn và giáo dục toàn diện trên địa bàn.
Trường Mầm non Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường được đầu tư cơ sở vật chất khang trang. |
Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đầu năm 2022, cả 2 điểm học của trường Mầm non Lũng Hòa được đầu tư xây dựng mới, cải tạo đồng bộ với tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí của trường CQG giai đoạn 2.
Cô giáo Tô Thị Lan - Hiệu trưởng trường Mầm non Lũng Hòa cho biết: “Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Phòng Giáo dục Đào tạo huyện. Ngoài kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, UBND xã đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để bổ sung trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho nhà trường, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.
Hiện nay, 2 điểm học của trường Mầm non Lũng Hòa có tổng diện tích hơn 15.000m2 với hệ thống các phòng lớp học, phòng chức năng, khuôn viên, đồ dùng, đồ chơi… đáp ứng các tiêu chí của trường CQG mức độ 2. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của trường được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, tỷ lệ đạt trên 1,9 giáo viên/lớp. Tháng 9/2023, nhà trường đã được UBND tỉnh công nhận đạt CQG mức độ 2”.
Từng là ngôi trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị hạn chế, nằm trên địa bàn xã còn nhiều khó khăn, trường Tiểu học Yên Bình, huyện Vĩnh Tường đã nỗ lực vượt khó, phát triển toàn diện về cơ sở vật chất cũng như chất lượng giáo dục. Năm 2011, trường đạt CQG mức độ 1, đến nay cơ bản hoàn thành các tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3 và các tiêu chuẩn trường đạt CQG mức độ 2.
Những năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư của các cấp ủy, chính quyền, trường Tiểu học Yên Bình từng bước “thay da đổi thịt”, diện tích được mở rộng, cơ sở vật chất khang trang; tập thể nhà trường đoàn kết, cùng nhau khắc phục khó khăn, nâng cao các tiêu chuẩn để xây dựng trường học đạt CQG mức độ 2.
Thầy giáo Hoàng Liên Sơn - Hiệu trường nhà trường chia sẻ: “Trường được công nhận CQG mức độ 1 từ năm 2011 và công nhận lại vào năm 2017. Xác định xây dựng trường đạt CQG là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành Giáo dục nhằm chuẩn hóa cơ sở hạ tầng, đồ dùng và trang thiết bị dạy học; đồng thời, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vĩnh Tường đã ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển giáo dục đào tạo (GDĐT) giai đoạn 2021-2025, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có ít nhất 77% số trường CQG (theo chuẩn mới).
Các lớp học được đầu tư đồng bộ là tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục. |
UBND huyện Vĩnh Tường ban hành Đề án phát triển GDĐT, thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng trường CQG, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để thường xuyên theo dõi, giám sát lộ trình xây dựng trường chuẩn trên địa bàn.
Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn của huyện quan tâm sự nghiệp GDĐT, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị dạy và học cho các trường theo tiêu chí xây dựng trường CQG.
Phòng GDĐT huyện Vĩnh Tường chủ động tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch xây dựng trường CQG hàng năm; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rà soát các tiêu chí xây dựng trường CQG tại các trường; phân công cán bộ, chuyên viên phụ trách từng trường để đôn đốc thực hiện.
Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; chỉ đạo các trường triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý…
Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tại các trường trên địa bàn huyện Vĩnh Tường không ngừng được đầu tư, nâng cấp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng.
Công tác xây dựng trường CQG được quan tâm đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn của huyện, là nền tảng để GDĐT huyện Vĩnh Tường luôn giữ vững vị trí Top đầu của tỉnh.
Vĩnh Tường phấn đấu năm 2024 - 2025 xây dựng thêm 12 trường đạt CQG, nâng tổng số trường đạt CQG lên 75 trường, đạt 86% tổng số trường của huyện, vượt 11% so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và Đề án phát triển GDĐT huyện Vĩnh Tường giai đoạn 2021 - 2025.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác xây dựng trường CQG; chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng trường CQG và ưu tiên, bố trí nguồn lực tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường…
Văn Nhất
Theo