(Xây dựng) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%.
Một góc đô thị Vĩnh Yên. |
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng đô thị, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trên địa bàn.
Chính vì vậy, công tác quy hoạch luôn được tỉnh quan tâm với phương châm “đi trước 1 bước”. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức lập: Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2); Đề án phát triển bền vững đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình phát triển đô thị Lãng Công, Đức Bác (Sông Lô), Nguyệt Đức (Yên Lạc) và Chương trình phát triển đô thị Bình Xuyên, Vĩnh Tường; đánh giá, phân loại đô thị, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đô thị; tham gia góp ý dự thảo Đề án đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng thông minh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030...
Ngày 5/3/2024, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở để Vĩnh Phúc triển khai các quy hoạch cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian tới.
Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh tiếp tục huy động nhiều nguồn lực đầu tư, xây dựng hạ tầng ở 2 thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên; nâng cấp các khu vực thuộc 2 huyện Bình Xuyên và Vĩnh Tường để đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm cơ sở thành lập mới 2 thị xã; tăng quy mô dân số đô thị...
Đến nay, nhiều khu đô thị mới, khu đô thị sinh thái trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư đồng bộ, hiện đại; bộ mặt đô thị ngày càng cải thiện, bước đầu hình thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc theo quy hoạch. Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 34 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 48%.
Hạ tầng giao thông được đầu tư cải tạo, xây dựng mới. Một số dự án giao thông lớn, trọng điểm được hoàn thành như: Cầu Vĩnh Phú, cầu Đầm Vạc, đường từ cầu Bì La đi trung tâm thị trấn Lập Thạch; đường từ ĐT.302 đến Đền Thõng Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên; đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (khu vực Văn Quán) đến trung tâm huyện Sông Lô và tuyến nhánh đi Khu công nghiệp Sông Lô I; đường nối Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến Khu danh thắng Tây Thiên; đường nối từ Tây Thiên đến Khu du lịch Bến Tắm; đường Vành đai 3 đoạn Hương Canh - Yên Lạc; đường nối từ cầu Phú Hậu – Quốc lộ 2... trở thành điểm nhấn của đô thị với quy mô hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh với các tỉnh, thành phố lân cận, góp phần mở rộng không gian đô thị, từng bước hình thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc.
Hạ tầng thương mại được đầu tư đáp ứng nhu cầu giao thương, buôn bán kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc mang tầm quốc tế giai đoạn đã hoàn thành xây dựng chuẩn bị đi vào hoạt động, kỳ vọng giải quyết vấn đề logistics thông suốt, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng và phát triển nguồn nhân lực cho Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận.
Tỷ lệ dân số đô thị được bao phủ dịch vụ cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 77,5%, riêng thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên đạt 94%. Hạ tầng thoát nước thải, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA về quản lý nguồn nước và ngập lụt được đẩy nhanh tiến độ, nhiều dòng sông, tuyến kênh được khơi thông dòng chảy, các thủy vực chứa nước thải trong khu dân cư được nạo vét…
Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý thị trường, bất động sản, công bố công khai thông tin về quy hoạch xây dựng, các dự án đô thị, nhà ở đủ điều kiện huy động vốn, bán sản phẩm theo quy định; thực hiện rà soát các dự án đô thị, nhà ở đã giao chủ đầu tư, công nhận chủ đầu tư nhưng chậm triển khai các thủ tục tiếp theo...
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị luôn được quan tâm về chất lượng, triển khai đồng bộ, áp dụng các mô hình phát triển tiên tiến như đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, đáp ứng các yêu cầu của phát triển đô thị theo hướng bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu.
Việc kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách đã góp phần giải quyết được các tồn tại, điểm nghẽn, huy động thêm các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Các đô thị Vĩnh Phúc đã có sự phát triển theo hướng bền vững, từng bước hình thành mạng lưới đô thị kết nối, phát triển theo quy hoạch và kế hoạch. Các đô thị phát huy được vai trò là trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, khu vực trong tỉnh. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa phát triển đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch hợp lý cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động.
Văn Nhất
Theo