(Xây dựng) – Thông tin về dự án Đại tượng Phật hơn 500 tỷ đồng, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đây là dự án xã hội hóa do Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên xây dựng.
Khu du lịch Tây Thiên thu hút hàng vạn du khách thập phương. |
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Dự án đầu tư xây dựng Đại tượng Phật hơn 500 tỷ đồng do Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Theo bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích, khu vực thực hiện dự án xây dựng tượng Phật “Quốc Thái - Dân An - Phật Đài” nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt Tây Thiên - Tam Đảo, tại Quyết định số 2367/QĐTTg của Thủ Tướng Chính phủ. Theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, Dự án phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi triển khai thực hiện”.
Về thiết kế, hình thức Đại Tượng Phật “Quốc Thái - Dân An - Phật Đài” được lấy ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia về mỹ thuật do GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính làm Chủ tịch Hội đồng. Sau khi có ý kiến của Hội đồng nghệ thuật và ý kiến tham gia của các Sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh Vĩnh Phúc về hồ sơ dự án xây dựng Đại tượng Phật tại Tây Thiên. Ngày 27/10/2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Tờ trình số 327/TTr-UBND gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị thẩm định, thỏa thuận dự án với nội dung: Xây dựng Đại Tượng Phật “Quốc Thái - Dân An - Phật Đài” và xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật… từ nguồn vốn xã hội hóa.
Sau khi chỉnh sửa nội dung hồ sơ dự án theo nội dung Văn bản số 497/BVHTTDL-DSVH ngày 20/2/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 14/9/2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Văn bản số 7419/UBND-VX3 ngày gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Tôn giáo Chính phủ xin ý kiến hồ sơ dự án xây dựng Đại Tượng Phật tại Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên (kèm theo hồ sơ dự án và các văn bản có liên quan) với nội dung: Xây dựng Đại tượng Phật “Quốc Thái - Dân An - Phật Đài”, với khái toán kinh phí khoảng 500 tỷ đồng, sử dụng 100% nguồn vốn xã hội hóa.
“Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai giải quyết nội dung phản ánh, khuyến nghị của các cơ quan Trung ương”, vị này cho biết thêm.
Dự án thu hút sự quan tâm của dư luận sau khi Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho ý kiến về hồ sơ dự án xây dựng Đại tượng Phật tại Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên. Trong đó, đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc rà soát, làm rõ sự phù hợp với các quy hoạch có liên quan, lý do và sự cần thiết phải xây dựng Đại tượng Phật.
Được biết, báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Đại tượng Phật tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên có tổng mức đầu tư khoảng 504,929 tỷ đồng, sử dụng vốn xã hội hóa. Quy mô dự án gồm công trình tôn giáo và và các công trình phụ trợ. Trong đó, công trình tôn giáo là Đại tượng Phật cao 49m gồm đài sen cao 12m, phần tượng Phật cao 37m.
Hiện trạng của dự án hiện nay đã xây xong phần móng và sàn của Phật đài theo thiết kế đã được cấp phép xây dựng. Phần xây dựng này đã thực hiện khá lâu và không được sử dụng nên đã bị xuống cấp, có hiện tượng lún lệch và ngập nước phía trong tầng hầm.
Dự án được xác định là nhóm B, công trình cấp II, triển khai tại khu vực bảo vệ II của Di tích Quốc gia đặc biệt Tây Thiên, trong gianh giới Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc Khu du lịch quốc gia Tam Đảo.
Nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên – Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để có cơ sở lập dự án trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc rà soát, làm rõ sự phù hợp với các quy hoạch có liên quan (quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất…).
Làm rõ lý do và sự cần thiết phải xây dựng Đại tượng Phật; luận cứ cơ sở xác định mẫu tượng, chiều cao tượng, đảm bảo phù hợp với các giá trị văn hóa, tín ngưỡng và cảnh quan môi trường. Khi thực hiện dự án phải tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa; phải có sự đồng thuận của cộng đồng dân cư và các bên có liên quan, đảm bảo quốc phòng an ninh; không phá vỡ cảnh quan môi trường khu vực di tích.
Về quản lý hoạt động xây dựng liên quan đến dự án, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc căn cứ pháp luật về xây dựng, tín ngưỡng, tôn giáo, di sản văn hóa hướng dẫn chủ đầu tư gửi hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án đến Sở Xây dựng, để được tổ chức thẩm định hoặc thẩm định điều chỉnh (nếu có) bảo đảm tuân thủ quy định của các pháp luật đã nêu và pháp luật khác có liên quan.
Do công trình của dự án đã thi công xây dựng nên Bộ Xây dựng cũng lưu ý cơ quan chuyên môn về xây dựng của tỉnh Vĩnh Phúc, cần yêu cầu chủ đầu tư bổ sung báo cáo kết quả khảo sát đánh giá hiện trạng công trình. Trong đó có đánh giá mức độ nguy hiểm của cấu kiện, mức độ nguy hiểm của toàn công trình… làm cơ sở thực hiện bảo đảm an toàn công trình và công trình lân cận (nếu có).
Nhật Nguyên
Theo