(Xây dựng) – Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết số 43/NQ-HĐND về Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 nhằm phát huy các thế mạnh, tiềm năng, thu hút các nguồn lực, nâng cao thu nhập, phúc lợi của người dân và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII.
Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào đầu những năm 2030. |
Theo đó, giai đoạn 2021-2030, Vĩnh Phúc sẽ phát triển kinh tế theo hướng kinh tế số, kinh tế trí thức, là động lực phát triển trong vành đai công nghiệp Bắc Giang -Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Phú Thọ, là trung tâm sản xuất ô tô xe máy lớn nhất cả nước và cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I.
Về kinh tế, phấn đấu GRDP đạt từ 10,5-11%/năm, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt trên 478.000 tỷ đồng. Năng suất lao động đạt 11% /năm, đến năm 2030 đạt 540 triệu đồng/lao động/năm.Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 đạt 900.000 tỷ đồng.
Về xã hội, đến năm 2030 dân số đạt 1,47 triệu người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,5%; 100% các trường mầm non, trường phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia; quan tâm chăm sóc sức khỏe người dân, phấn đấu có 45 giường bệnh/vạn dân, đạt 19 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt trên 48%. Khai thác tiềm năng du lịch, phấn đấu đến năm 2030 Vĩnh Phúc đón khoảng 16 triệu lượt khách nội địa, 150.000 lượt khách quốc tế.
Về môi trường, phấn đấu 100% người dân tại đô thị được sử dụng nước sạch, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. 100% chất thải rắn thu gom được xử lý tại khu vực thành thị, khu vực nông thôn đạt 90%. 100% các khu, cụm công nghiệp, đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung và các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường, chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định. Tỷ lệ độ che phủ rừng duy trì khoảng 22%-25% (bao gồm cả tỷ lệ che phủ rừng trên các loại đất ngoài đất lâm nghiệp).
Về không gian và kết cấu hạ tầng, Vĩnh Phúc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển các trung tâm hành chính tỉnh, thành phố để tăng cường liên kết và hình thành các chuỗi đô thị gắn với phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 65% và phát triển đạt tiêu chí đô thị loại I trên quy mô toàn tỉnh. 100% các huyện đạt huyện nông thôn mới, 80% xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, trên 48% xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Hạ tầng đầu tư phát triển cơ bản theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng giao vận tải thông suốt, an toàn; hạ tầng điện đảm bảo tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt; nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt được đảm bảo; hệ thống đê điều, hồ đập an toàn; hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển.
Về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Tăng cường quản lý về quốc phòng, an ninh; chủ động nắm chắc tình hình, không bị động, bất ngờ; thực hiện tốt phòng chống các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đảm bảo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, đảm bảo cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Điều chỉnh, quy hoạch vị trí mới đối với các khu vực trường bắn nhỏ lẻ, các kho đạn hiện hữu nằm giữa khu vực đô thị đến các khu vực đồi núi, xa khu dân cư nhằm đảm bảo an toàn cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, sạch đẹp, kiến trúc độc đáo mang bản sắc riêng, xã hội phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc và đáng sống vào đầu những năm 2030.
Theo đó, quy hoạch đưa ra ba đột phá trong phát triển là: Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, tạo đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; ưu tiên tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, thực hiện các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, có khả năng kết nối liên vùng.
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ khoa học, công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý Nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển; đồng thời là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đầu tư công, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính khách quan, khoa học.
Tổ chức không gian phát triển đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội theo hướng xanh và bền vững.
Bích Huệ
Theo