(Xây dựng) – Sau vụ việc khai thác và tiêu thụ khoáng sản trái phép tại Vinh Phú, thị trấn Hợp Hòa, xã Tam Dương, Vĩnh Phúc bị phanh phui, cơ quan chức năng tại địa phương đã vào cuộc. Tuy nhiên, doanh nghiệp thì trốn tránh còn chính quyền thì xử lý chưa có tính răn đe và tạo tiền lệ xấu.
Máy xúc đất ngày đêm “ăn cắp” khoáng sản trên địa bàn Tam Dương, Vĩnh Phúc. |
Trước đó, sau phản ánh của truyền hình Báo điện tử Tầm nhìn về việc khai thác khoáng sản trái phép diễn ra trên địa bàn, UBND thị trấn Hợp Hòa đã lập biên bản ra quyết định xử phạt đối với ông Nguyễn Văn Thương, sinh năm 1999 vì hành vi khai thác tài nguyên khoáng sản không có giấy phép. Tuy nhiên, trong buổi làm việc, UBND thị trấn Hợp Hòa không làm rõ được diện tích khối lượng khoáng sản đã thất thoát.
Chính quyền địa phương thừa nhận, đây là hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và lý giải rằng, việc khai thác này là do một doanh nghiệp được cấp mỏ khai thác, nhưng không có lối vào mỏ nên đã tự ý thỏa thuận với người dân để múc đất rừng làm đường vào mỏ.
Theo ông Phan Văn Nghĩa – Chủ tịch UBND thị trấn Hợp Hòa, chính quyền đã làm các thủ tục, biên bản ngăn chặn và biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt. Số lượng cụ thể thì không ước tính được. Mục đích chính của việc lậo biên bản là cấm, không cho khai thác trái phép.
Bất ngờ, theo kiểm tra, không thể xác định được những đối tượng này là người của doanh nghiệp nào mà chỉ biết 1 thanh niên, tự xưng là Nguyễn Văn Thương (sinh năm 1999) là người đứng ra phụ trách.
Theo đó, UBND thị trấn xử phạt ông Thương 4 triệu đồng |
Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Cường – Công chức địa chính UBND thị trấn Hợp Hòa thông tin, có đồng chí tự nhận là Thương, khi chính quyền ra kiểm tra thì có 3 xe, 1 xe 3 chân, 1 xe đầu kéo và 1 xe 6 tấn. Có tiến hành lập biên bản đình chỉ và dừng hoạt động. Khi tiến hành làm việc, UBND thị trấn có phạt ông Thương 4 triệu đồng. Tính đến hôm nay, đã nộp phạt và nộp lại hóa đơn cho UBND thị trấn.
Công ty cổ phần Prime Đại An – thuộc Prime Group. |
Theo ghi nhận, số lượng khoáng sản sau khai thác đã được chở vào nhà máy Prime Phổ Yên để làm nguyên liệu sản xuất gạch ốp lát cao cấp. Ngày 15/1, nhóm phóng viên truyền hình Tầm nhìn đã liên hệ với nhà máy gạch Prime Phổ Yên, nhưng đơn vị này không nhận trách nhiệm và cho biết, Tổng công ty Prime Group chịu trách nhiệm phân phối nguyên liệu sản xuất. Tiếp tục liên hệ, nhóm phóng viên được Prime Group giới thiệu gặp ông Nguyễn Đình Dũng – Phó giám đốc Công ty cổ phần Prime Đại An cũng là công ty con của Prime Group. Là người được giao trách nhiệm trả lời, nhưng ông Dũng chỉ tiếp nhận thông tin và hứa trả lời qua gmail nhưng liên tục báo bận đi công tác. Nhiều tuần liên hệ đến nay, phía ông Dũng vẫn không có phản hồi.
Những động thái này của chính quyền cũng như công ty khiến người dân không khỏi hoài nghi về những khuất tất phía sau việc mua bán – tiêu thụ khoáng sản bất hợp pháp. Theo ghi nhận, với số lượng khủng, lợi nhuận từ việc khai thác khoáng sản trái phép là một số tiền khổng lồ. Các đối tượng tổ chức khai thác trái phép một cách có quy mô, hoạt động ngang nhiên giữa ban ngày, nhưng không có bóng dáng của lực lượng chức năng.
Được biết, theo Điều 44 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP, đối với những vi phạm này các cá nhân, tổ chức phải bị xử phạt và thu hồi tang vật khoáng sản, tịch thu phương tiện sử dụng… Tuy nhiên, việc chỉ xử phạt với số tiền thấp như trên chỉ “làm cho có”, chưa đủ sức răn đe, xử lý nghiêm vi phạm. Từ đó, tạo tiền lệ xấu cho những hành vi trái pháp luật trên địa bàn.
(Ảnh cắt từ video Báo điện tử Tầm nhìn)
Ánh Dương (T/H)
Theo