(Xây dựng) – Sáng 5/3, tại thành phố Vĩnh Long, UBND tỉnh Vĩnh Long đã long trọng tổ chức Hội nghị Xúc tiến hợp tác giữa các doanh nghiệp Ấn Độ với tỉnh Vĩnh Long. Đến năm 2023, Ấn Độ có trên 390 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 1,1 tỷ USD.
Ông Đặng Văn Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long phát biểu với Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đặng Văn Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thông tin cho biết: Tỉnh Vĩnh Long thuộc trung tâm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, thuộc miền Nam, Việt Nam, là vùng đất trù phú, được bao bọc bởi 02 con sông Tiền và sông Hậu, có diện tích tự nhiên trên 1.500 km2, dân số trên 01 triệu người, là tỉnh giàu tiềm năng về nguồn nhân lực, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản… Hàng năm sản xuất được gần 680 ngàn tấn lúa. Sau cây lúa, các loại cây ăn trái đặc sản, có giá trị kinh tế cao như: Bưởi Năm roi, cam sành, nhãn, chôm chôm… với sản lượng hàng năm trên 1,2 triệu tấn.
Tình hình phát triển kinh tế, xã hội trong những năm qua của tỉnh Vĩnh Long chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 2,01% so với năm 2022. Môi trường đầu tư phát triển luôn được chú trọng, với nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp sẽ hứa hẹn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư đến giao thương và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Vĩnh Long với thị trường Ấn Độ đạt khoảng 1,33 triệu USD, chiếm khoảng 0,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Vĩnh Long, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là giày các loại, hàng may mặc. Kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 2 triệu USD, chiếm 0,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh với các mặt hàng nguyên liệu sản xuất dược phẩm, nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc.
“Chúng tôi nhận thấy, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục có sự cải thiện thực chất hơn để có thể đạt kết quả tốt hơn. Để phát triển kinh tế của một tỉnh, ngoài việc phát huy tốt nội lực thì việc huy động nguồn lực từ bên ngoài có một ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hội nghị Xúc tiến hợp tác giữa các doanh nghiệp Ấn Độ với tỉnh Vĩnh Long hôm nay là cơ hội tốt để tỉnh giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, các chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh Vĩnh Long; Tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận các dự án, tìm hiểu cơ hội đầu tư và triển khai thực hiện trong thời gian tới. Nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh để Vĩnh Long phát triển nhanh, bền vững và toàn diện theo hướng tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp tạo nền tảng, động lực phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị và công nghiệp chế biến. Tỉnh Vĩnh Long ưu tiên thu hút mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực: Phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, bảo tồn ngành nghề truyền thống; Công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; Phát triển tiểu thủ công nghiệp; Các khu đô thị gắn với dịch vụ, thương mại...
Lãnh đạo tỉnh cam kết luôn đồng hành và thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với các nhà đầu tư, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Với tiềm năng sẵn có, với tình cảm và mong muốn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực, tỉnh Vĩnh Long sẵn sàng hợp tác với các Tập đoàn, các Hội, Hiệp hội, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp Ấn Độ để cùng phát triển, cùng có lợi trong xu thế hội nhập với nền kinh tế quốc tế và tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ gặt hái nhiều thành công tốt đẹp”, ông Đặng Văn Chính chia sẻ.
Tại Hội nghị, tỉnh Vĩnh Long mời gọi 12 dự án đầu tư. Trong đó, 6 dự án lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, 02 dự án lĩnh vực du lịch, 01 dự án thương mại - dịch vụ, 02 dự án hạ tầng - cụm công nghiệp và 01 dự án lĩnh vực môi trường. Đồng thời, tổ chức 02 phiên thảo luận các chuyên đề về: Giáo dục - Du lịch - Y tế; Thương mại và Đầu tư. Đây là nhưng lãnh vực có thế mạnh của các doanh nghiệp Ấn Độ và quan tâm.
Ông Nguyễn Tường Nam - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long kỳ vọng tương lai doanh nghiệp Vĩnh Long và doanh nghiệp Ấn Độ có nhiều cơ hội hợp tác. |
Theo ông Nguyễn Tường Nam - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long, kỳ vọng nhiều cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Ấn Độ: “Chúng tôi thống nhất và đánh giá cao các nội dung làm việc và kỳ vọng đạt được kết quả nhất định ở hai phiên làm việc chiều nay: phiên thảo luận về hợp tác thương mại và đầu tư; phiên thảo luận về giáo dục, du lịch, công nghệ thông tin và y tế: cả hai bên đều có lợi thế về nông sản, sản phẩm chế biến, kỹ thuật, công nghệ, nguồn nhân lực, trải nghiệm văn hóa... Chúng ta có thể hợp tác trên tinh thần lợi ích hài hòa, có kế hoạch, không hạn chế quy mô trong các lĩnh vực; đa dạng, đa phương hóa việc hợp tác hoặc có thể đảm bảo thông tin rộng rãi, hiệu quả thiết thực cho cộng đồng các doanh nghiệp hai phía; khai thác hợp lý và giữ gìn các tài nguyên cho sự phát triển bền vững.
Người Việt Nam có câu: "Việc lớn khởi đầu khó, việc nhỏ khởi đầu dễ", ngoài những hợp tác mang tính chiến lược, chúng ta cũng cần tạo ra những kết nối mang tính nền tảng như: Hợp tác trao đổi thông tin, hỗ trợ quảng bá du lịch; giới thiệu kết nối phân phối, thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc thù. Phối hợp tổ chức chương trình khảo sát du lịch, hội nghị, hội thảo khoa học, các sự kiện giao lưu văn hóa, thể thao... Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin, nông nghiệp, y tế, du lịch... Cung cấp danh mục dự án kêu gọi đầu tư, thông tin về tiềm năng thế mạnh của mỗi địa phương; hỗ trợ các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp, kết nối các dự án cam kết phát triển bền vững, kinh tế xanh, vấn đề tín chỉ carbon giảm phát thải và chống biến đổi khí hậu.
Ngài Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị. |
Đến dự và phát biểu với Hội nghị, Ngài Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao tiềm năng của tỉnh Vĩnh Long và cho rằng, nơi đây có vị trí không xa Thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng, rất thuận lợi cho nhà đầu tư Ấn Độ. “Trên cơ sở mối quan hệ nồng thắm, tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian qua, với cương vị của mình tôi sẽ làm tất cả để kết nối các doanh nghiệp Ấn Độ đến Việt Nam, trong đó có Vĩnh Long để đầu tư trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng hợp tác như: Giáo dục, y tế, sản xuất máy móc nông nghiệp”, Ngài Madan Mohan Sethi chia sẻ.
Vĩnh Long giới thiệu và mời gọi đầu tư với các doanh nghiệp Ấn Độ. |
Cũng tại hội nghị, ông Prakash Babu Katarapu - Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển kinh tế bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) nhận định, giữa Vĩnh Long và Ấn Độ có rất nhiều cơ hội, tiềm năng hợp tác, đặc biệt là: Y tế, giáo dục, thủy sản, chế biến lương thực- thực phẩm, may mặc… Theo ông, tiềm năng có rồi, nhưng để hiện thực hóa hai bên cần có nhiều chuyến thăm, giao lưu, kết nối, chia sẻ để hiểu rõ hơn nhu cầu của nhau, từ đó xúc tiến, thúc đẩy các dự án đầu tư, hoạt động giao thương để cùng nhau hợp tác phát triển.
Sông nước miệt vườn Vĩnh Long hấp dẫn du khách nước ngoài. |
Huỳnh Biển
Theo