(Xây dựng) – Tối 11/9, trong khuôn khổ Lễ khai mạc Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long 2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công bố Quyết định của VietKings về việc xác lập Kỷ lục Việt Nam đối với “Ngôi nhà 3 gian 2 chái truyền thống hoàn toàn bằng gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất Việt Nam” cho ông Nguyễn Văn Buôi, phường 5, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Ngôi nhà gốm đỏ Vĩnh Long của ông Tư Buôi xác lập Kỷ lục Việt Nam. |
Ông là Nguyễn Văn Buôi được mọi người thường gọi là Tư Buôi. Nguyên quán ông Tư Buôi ở làng nghề truyền thống gạch gốm đất sét Vĩnh Long, bên dòng sông Cổ Chiên thơ mộng, ông Tư Buôi chính là chủ nhân căn nhà gốm đỏ nổi tiếng Vĩnh Long vừa được xác lập Kỷ lục Việt Nam. Căn nhà đó chính là hồn đất sét Vĩnh Long mà ông Tư Buôi đã gửi gắm tâm huyết và thổi hồn vào đó.
Thuở nhỏ, ông Tư Buôi gắn liền với mảnh ruộng, miếng vườn, lớn lên mưu sinh khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng duyên nợ nhiều hơn là nghề gốm đất sét. Ông Tư Buôi cho biết, Vĩnh Long không chỉ có cây lành trái ngọt mà hàng trăm năm nay nổi tiếng là làng nghề truyền thống gốm đỏ, được mệnh danh là “Vương quốc gốm đỏ”.
Ngôi nhà gốm đỏ của ông Tư Buôi. |
Theo tài liệu, nghề sản xuất gạch, ngói xuất hiện tại Vĩnh Long vào đầu thế kỷ XIX, ở khu vực Nam sông Cổ Chiên. Đến những năm giữa thế kỷ XX, toàn tỉnh có 39 lò hoạt động sản xuất gạch ngói nung, lao động làm gạch ngói, tại thời điểm đó có khoảng 600 - 800 người. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, số lượng lò gạch tăng mạnh lên 2.284 miệng lò. Còn nghế gốm mỹ nghệ ra đời từ năm 1983 và phát triển mạnh từ năm 1997. Gốm mỹ nghệ Vĩnh Long có hàng ngàn ngàn mẫu mã khác nhau đã có mặt nhiều châu lục và nhiều nước trên thế giới như: Châu Âu, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Thời hoàng kim, Vĩnh Long đạt sản lượng sản xuất gần 50 triệu sản phẩm/năm, trở thành thương hiệu nổi tiếng “Gốm đỏ Vĩnh Long”. Vĩnh Long đã công nhận 7 làng nghề sản xuất gạch ngói gốm mỹ nghệ, trong đó huyện Mang Thít có 6 làng nghề. Giá trị sản lượng của ngành nghề sản xuất gạch ngói chiếm 37,19% tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn và chiếm 56,88% giá trị sản lượng nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh Vĩnh Long.
Nhưng đến những năm 2008-2010, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, kinh tế châu Âu gặp nhiều khó khăn, các nhà nhập khẩu gốm mỹ nghệ châu Âu không còn “ăn” hàng nữa, kéo theo nghề gốm mỹ nghệ Vĩnh Long lao đao. Nhiều ông chủ gạch gốm không thu hồi được nợ, sản xuất ngưng trệ, nghề gạch gốm Vĩnh Long tuột dốc không phanh. Thời hưng thịnh, Vĩnh Long có hàng ngàn lò gạch, ngói, gốm, thu hút hàng chục ngàn lao động. Vậy mà đến thời điểm khủng hoảng có đến cả ngàn lò gạch, gốm đóng cửa, cả chủ và người làm công phải đi làm thuê làm mướn, buôn gánh bán bưng kiếm sống qua ngày.
Bên trong căn nhà gốm đỏ. |
Mặc dù sóng gió ập đến làm “tắt lửa” lò gốm, nghề gạch gốm Vĩnh Long ngày mai một nhưng ông Tư Buôi vẫn nặng lòng đeo đuổi bám nghề với niềm hy vọng “lửa sẽ thắp lên”. Nhìn căn nhà gốm đỏ theo kiến trúc truyền thống, khang trang mà đã dày công chế tác tự chính mình tạo nên, ông Tư Buôi trầm ngâm: “Làm xuất khẩu không được thì mình chuyển sang làm nội địa. Tôi quyết định chuyển sang làm gốm xây dựng. Xây dựng căn nhà gốm đỏ này là tôi muốn giữ hồn cho đất Vĩnh Long. Đất sét Vĩnh Long đã làm nên nghề gốm đỏ nổi tiếng, nhiều nước trên thế giới biết đến. Bây giờ, không lẽ nào để cho nghề gốm đã trăm năm lụi tàn. Vì vậy, tôi quyết định lấy thạch cao làm khuôn đổ đất sét để nung thành cột, thành kèo, thành ngói để làm nhà. Đó là cách mình giữ hồn cho đất Vĩnh Long”.
Ngôi nhà gốm Tư Buôi được xây dựng vào giữa năm 2019, chỉ thời gian 3 tháng, đã xây xong căn nhà gốm đỏ có 300m2. Nhà gốm Tư Buôi tọa lạc tại phường 5, thành phố Vĩnh Long. Tường xây bằng gạch mộc, kích thước lớn gấp đôi gạch thường, do chính nghệ nhân Tư Buôi tự mình làm lấy. Hoa văn, họa tiết trang trí trong ngôi nhà bằng chất liệu gốm được tạo tác công phu, được giới thưởng ngoạn xa gần đánh giá cao, trầm trồ khen ngợi. Ông Tư Buôi không chỉ muốn “thổi hồn” vào căn nhà gốm đỏ của mình mà ông còn là nhà sưu tập “đổ cổ” nổi tiếng của vùng đất phương Nam. Những trang trí nội thất cổ xưa được trưng bày trong nhà gốm Tư Buôi như: tủ thờ, đi văng, bàn ghế… là những danh mộc, điêu khắc công phu, sắc sảo đã được ông Tư Buôi dày công lặn lội khắp nơi từ nhiều năm sưu tầm mang về nhà gốm. Đến nhà gốm Tư Buôi, du khách được check in với những nông, ngư cụ đã một thời làm nên nền văn minh lúa nước và cuộc sống cư dân thời mở đất phương Nam.
Ông Tư Buôi bên bức tranh khai mở đất bằng gốm đỏ. |
Nơi đây còn có cả 100 chiếc đèn cổ, hay những chiếc cân đòn, bàn ủi xưa… của trời Tây và cả đất phương Nam được sưu tập để du khách khám phá, check in. Du khách có dịp đến Vĩnh Long, ghé check in nhà gốm Tư Buôi, sẽ cảm nhận nhiều điều thú vị khi được chính chủ gia Tư Buôi kể về làng nghề truyền thống gốm đỏ Vĩnh Long và căn nhà gốm của chính mình thiết kế tạo dựng nên để lưu truyền cho thế hệ mai sau.
Huỳnh Biển
Theo