(Xây dựng) - Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt của toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện, sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện Vĩnh Bảo đã giành được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Mọi chủ trương, chế độ chính sách được triển khai đầy đủ, kịp thời. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện chuyển biến tích cực chủ động tham gia tích cực xây dựng NTM, đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Thực hiện chủ trương xây dựng NTM, thời gian qua Huyện ủy Vĩnh Bảo đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HU ngày 08/4/2011 của BCH Đảng bộ huyện về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020; Kết luận số 01-KL/HU ngày 14/12/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện (khóa XXIV) về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020; Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo HĐND, UBND huyện đã phân công từng đồng chí phụ trách các xã xây dựng NTM.
Căn cứ vào tình hình cụ thể, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từng nội dung công việc trong xây dựng NTM; Kế hoạch giảm nghèo, Kế hoạch triển khai phong trào thi đua “xây dựng TP Hải Phòng sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh”; Kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn; kế hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, kế hoạch phát triển nông nghiệp - thủy sản và các kế hoạch lĩnh vực ngành liên quan đến các tiêu chí NTM…
Hạ tầng được đầu tư tập trung
Với tổng nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng NTM, huyện đã cải tạo, nâng cấp làm mới được 60 km đường giao thông đối ngoại; 1.173 km đường giao thông nông thôn (976 km đường giao thông nội đồng, đường thôn xóm, đường nội bộ nghĩa trang nhân dân; còn lại là đường trục xã, liên xã); 83/83 trường học các cấp có cơ sở vật chất đạt chuẩn; 29/29 nhà văn hóa xã, 28 khu thể thao xã, 186 nhà văn hóa thôn, 138 khu thể thao thôn đạt chuẩn; 89 trạm bơm điện; 24km mương tưới sau trạm bơm, nạo vét được 148 km kênh mương cấp I, cấp II; 38,5 km đê; 29 trạm y tế xã đạt chuẩn; 29 bãi rác tạm; 12 trạm cấp nước sạch… Hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội, môi trường được đầu tư đạt chuẩn NTM, tạo sự thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn.
7 Lãnh đạo thành phố kiểm tra khu nông nghiệp công nghệ cao VinEco tại xã Tân Liên. |
Kinh tế nông thôn phát triển nhanh, bền vững
Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hóa tập trung, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, trong đó đã thực hiện 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tân Liên - Tam Đa với diện tích 210 ha; tích tụ (thuê đất) của nông dân để tổ chức sản xuất tập trung gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được trên 300 ha; duy trì và phát triển sản xuất được 194 vùng sản xuất trong nông nghiệp tập trung, diện tích 2.236,5 ha; hàng năm năng suất lúa duy trì trên 13 tấn/ha/năm, các giống lúa chất lượng chiếm trên 60% diện tích và có từ 700 - 800 ha lúa sản xuất hàng hóa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; diện tích các cây rau màu, cây công nghiệp hàng năm từ 7.500 - 7.600 ha, trong đó có từ 300 - 500 ha sản xuất có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; có 12 vùng chăn nuôi lợn và gia cầm tập trung, tổng diện tích 83,8 ha, có 107 trang trại chăn nuôi; quy hoạch được 48 vùng thủy sản tập trung với diện tích 426,29 ha, có 23 trang trại thủy sản, với diện tích từ 2,1 ha trở lên; thực hiện Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) cho 2 sản phẩm: Nấm thương phẩm xã Vĩnh Phong và Rượu nếp Mân xã An Hòa.
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển với tốc độ cao, bình quân 17 - 19%/năm; toàn huyện có 95 DN và cơ sở sản xuất công nghiệp, 8 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy mô sản xuất được mở rộng, đã thu hút 95.698 lao động, chiếm 54,4% tổng số lao động trong độ tuổi; sản xuất công nghiệp tập trung giữ vai trò chủ đạo, chiếm trên 80% giá trị sản xuất công nghiệp, trong 10 năm (2011 - 2020) giải quyết việc làm mới cho trên 37.190 người lao động toàn huyện.
Kinh tế của huyện phát triển rõ nét, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp có chuyển biến tích cực từ huyện sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sang mô hình kinh tế công nghiệp - xây dựng - thương mại, dịch vụ là trọng tâm, chiếm 77% tổng giá trị sản xuất của huyện, giá trị nông nghiệp - thủy sản còn 23%. Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2011 đạt 14,5 triệu đ/người, năm 2020 đạt 52,6 triệu đ/người (tăng 3,6 lần).
Đường trục thôn An Hòa. |
Giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa xã hội phát triển toàn diện
Sự nghiệp giáo dục, đào tạo có bước phát triển cả về quy mô, chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất, luôn được quan tâm. Công tác y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được coi trọng, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và trẻ em được quan tâm thường xuyên; thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩn, phòng chống dịch bệnh… Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa xây dựng làng, khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa... gắn với phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM tiếp tục được triển khai sâu rộng và được nhân dân tích cực hưởng ứng. Các địa phương đã phát động và triển khai tốt phong trào thu gom, xử lý rác thải nông thôn, phong trào xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, trồng cây xanh, đường hoa..., các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đều xây dựng cam kết bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động, đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, tỷ lệ rác thải thu gom, xử lý đạt 97%.
Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa tại xã Cộng Hiền |
Giữ vững trật tự an toàn xã hội. Đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được tập trung giải quyết đúng luật định, không để xảy ra “điểm nóng” phức tạp. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được củng cố xây dựng và phát triển mạnh. Đã có nhiều mô hình, điển hình về phong trào quần chúng tự quản, giữ gìn trật tự trị an ở thôn xóm, cụm dân cư gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, làng văn hóa.
Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được tăng cường, củng cố vững mạnh, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, đặc biệt là đổi mới về công tác tư tưởng, công tác cán bộ, thực hiện tốt công tác tập trung dân chủ. Đổi mới phong cách và lề lối làm việc, xây dựng và thực hiện nghiêm túc chế độ làm việc theo chương trình kế hoạch đã đề ra. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với MTTQ và các đoàn thể trong hệ thống chính trị xã hội và đời sống xã hội, nội dung và phương thức hoạt động tiếp tục được đổi mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và phát triển đô thị.
Đến hết năm 2019, toàn huyện Vĩnh Bảo có 29/29 xã đạt chuẩn NTM; 2 thôn đạt NTM kiểu mẫu. Phấn đấu hết năm 2020 huyện cơ bản đạt chuẩn NTM và có 1 xã Tân Liên cơ bản đạt NTM kiểu mẫu. Phấn đấu thực hiện đến năm 2025 toàn huyện có 100% các xã đạt NTM kiểu mẫu và huyện Vĩnh Bảo cơ bản đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu, gắn với phát triển đô thị. |
Đỗ Hải
Theo