(Xây dựng) - Giá điện là yếu tố đầu vào quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đến chi phí của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá điện cần phải chia nhỏ thành từng đợt để kiểm soát lạm phát, giảm thiểu tác động đến kinh tế - xã hội.
Việc tăng giá điện cần chia nhỏ thành các đợt để kiểm soát lạm phát (Ảnh minh họa: EVN). |
Chính phủ đã ban hành Quyết định 02/2023/QĐ-TTg quy định về khung giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng từ ngày 3/2/2023. Theo đó, khung giá bản lẻ điện bình quân tối thiểu sẽ là 1.826,22 đồng/kWh; khung giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). So với khung giá cũ áp dụng theo Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017, khung giá bán lẻ tối thiểu mới tăng 220 đồng/kWh, khung giá bán lẻ tối đa tăng 538 đồng/kWh.
Đánh giá về khả năng tăng giá điện trong tương lai gần là khó tránh khỏi, nhiều chuyên gia cho rằng, việc trang trải các chi phí tăng cao cho ngành điện là cần thiết và phù hợp với cơ chế thị trường, bởi ngành điện không thể chịu lỗ để bao cấp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, giá điện lại là yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đến chi phí của các doanh nghiệp, nên cần cân nhắc và tính toán kỹ để đưa ra mức tăng và thời điểm tăng cho phù hợp.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: Việc điều chỉnh giá bán điện ở mức phù hợp một mặt sẽ cải thiện nguồn tài chính âm của EVN, tránh ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, thu hút đầu tư của phát điện, truyền tải, phân phối điện… nhưng mặt khác cũng sẽ tác động đến mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là cuộc sống của người dân. Theo đó, giá điện hiện hành sẽ phải tăng thêm 15% mới đủ bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh của ngành điện. Tuy nhiên, nếu ngay lập tức giá điện tăng 15% sẽ tác động khá mạnh đến lạm phát. Cụ thể là sẽ đẩy lạm phát trực tiếp vòng 1 tăng 0,5%, đó là chưa kể đến tác động đến vòng 2 với những ngành sử dụng nhiều điện khiến giá thành sản xuất thép tăng 0,9%; xi măng tăng 2,25%; giá thành dệt may tăng 1,95%...
Về lộ trình tăng giá điện, ông Thỏa cho biết: Có thể chia thành 2 đợt, mỗi đợt chỉ tăng từ 7 - 8%, lạm phát vòng 1 của đợt 1 sẽ chỉ tăng 0,2%. Sau đó tiếp tục tính toán, theo dõi đến những tháng cuối năm tình hình thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát trong mục tiêu đề ra mới xem xét điều chỉnh giá đợt 2 là cách giảm thiểu tối đa tác động của tăng giá điện.
Để giảm ảnh hưởng của việc tăng giá điện, ông Thỏa cũng kiến nghị Nhà nước cần phải có giải pháp tổng thể để bình ổn giá, ngăn ngừa tác động từ việc tăng giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế, các hàng hóa dịch vụ khác, tránh việc lợi dụng tăng giá điện để đẩy mặt bằng giá lên, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Đồng tình với đề xuất này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nêu rõ: Việc tăng giá điện để phù hợp với chi phí đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh của ngành Điện là cần thiết. Nhưng ngành Điện cần phải cụ thể, xem xét hoàn cảnh thực tế từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam cũng như thu nhập của người dân.
Bên cạnh đó, TS Ngô Đức Lâm - chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh là rất quan trọng. Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, người dân sẽ được mua điện của nhiều nhà cung cấp với giá đàm phán. Nhà bán lẻ điện cũng sẽ phải tự cân đối, cạnh tranh về giá, chất lượng phục vụ hợp lý để thu hút khách hàng. Việc đề xuất điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là hợp lý nhưng cần phải công khai, minh bạch các chi phí đầu ra, đầu vào.
Nhật Minh
Theo