(Xây dựng) – Sáng 27/4, tại Khu du lịch Chợ nổi Trà Ôn (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đã diễn ra cuộc tranh tài Ngày hội “Làm bánh dân gian” huyện Trà Ôn năm 2024. Ngày hội đã thu hút 79 đội tham gia chế biến hàng trăm loại bánh các loại.
Ông Nguyễn Chí Hiếu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn trao giải Nhất cho đội Trường Mầm non Hựu Thành. |
Vào hạ tuần tháng 4, có dịp về Khu du lịch Chợ nổi Trà Ôn dự Ngày hội “Làm bánh dân gian” huyện Trà Ôn năm 2024. Mới sáng sớm, Khu du lịch Chợ nổi Trà Ôn đã nhộn nhịp. Hàng trăm “thợ” làm bánh dân gian khắp các huyện, thị, thành của tỉnh Vĩnh Long đã hội tụ về đây thi nhau pha bột, xào nhân, nắn bột, cắt tỉa rau củ… chuẩn bị bắt đầu cuộc tranh tài “Làm bánh dân gian”. Những cô giáo mầm non, cô giáo tiểu học, trung học cơ sở, công chức, viên chức, thợ bánh nay đã hóa thân thành “nghệ nhân” trong trang phục áo bà ba, khăn rằn, nón lá xinh xắn.
Bánh được trang trí đẹp mắt. |
Phát biểu khai mạc Ngày hội “Làm bánh dân gian”, ông Nguyễn Chí Hiếu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn cho biết: “Trà Ôn là địa phương có tiềm năng để phát triển du lịch, như: Làng nghề bánh tráng cù lao Mây trên 100 năm tuổi và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn; có 06 điểm chùa Khmer tại xã Tân Mỹ, xã Trà Côn, Hựu Thành. Huyện có tiềm năng và khả năng mở rộng liên kết để hình thành các tour du lịch sông nước miệt vườn, tham quan văn hóa bản địa trên các tuyến tour liên tỉnh đường thủy, cũng như hình thành các tour tham quan trong ngày khi khách lưu trú tại homestay. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 02 điểm du lịch lưu trú homestay tại xã Lục Sĩ Thành và 03 điểm du lịch miệt vườn và Khu du lịch Chợ nổi Trà Ôn.
Chè trôi nước. |
Để tiếp tục tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch, cũng như giới thiệu, quảng bá các sản phẩm bánh dân gian đặc trưng được làm từ gạo, nếp, bột gạo, bột nếp… của huyện Trà Ôn và các huyện, thị, thành với du khách tham quan trong và ngoài tỉnh; tạo sự kiện hưởng ứng các hoạt động phục hồi du lịch của tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đồng thời qua đó làm tiền đề để tăng quy mô tính thu hút trong việc tổ chức hội thi ở các năm tiếp theo. Ngày hội “Làm bánh dân gian” cũng là dịp để giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng và kỹ thuật tay nghề khéo léo chế biến bánh dân gian của các nghệ nhân, vừa tạo ra sân chơi để các nghệ nhân cùng thể hiện năng khiếu, giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau tôn vinh tinh hoa văn hóa ẩm thực truyền thống của địa phương.
Cùng nhau tranh tài chế biến bánh dân gian. |
Qua thời gian phát động, ngày hội đã thu hút 79 đội tham gia, với trên 100 loại bánh (bánh ngọt và bánh mặn như: Bánh canh mặn, bánh xèo, bánh khọt, bánh ít trần, bánh bò, chè trôi nước, bánh ướt cù lao Mây, bánh đúc mặn, bánh da lợn,…) do các nghệ nhân, các lò bánh, hộ cá thể làm bánh dân gian; cán bộ; công chức, viên chức giáo viên đến từ các xã, thị trấn, các trường học trong huyện và các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cùng tham gia chế biến…
Tạo hình bản đồ Việt Nam. |
Cuộc tranh tài “Làm bánh dân gian” diễn ra sôi nổi. Các đội chuẩn bị nguyên vật liệu và trang trí bắt mắt, thu hút đông đảo khách đến tham quan. Tuy là những nguyên vật liệu có mặt thường ngày trong cuộc sống mỗi gia đình, như: Gạo, nếp, đường, đậu… qua bàn tay chế biến khéo léo của “nghệ nhân” thành những chiếc bánh xinh đẹp, tạo dáng, tạo hình bản đồ Việt Nam, ghe xuồng chợ nổi trên sông, công, phượng… mãn nhãn, hương vị đậm đà. Kết quả Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đội Trường Mầm non Hựu Thành; Giải Nhì thuộc đội Công đoàn khối Hành chính; 2 Giải Ba cho đội: Huyện Tam Bình và Trường Mầm non Xuân Hiệp. Đồng thời, Ban tổ chức trao 40 giải khuyến khích và 2 giải phụ trình bày đẹp.
Hội thi đã khép lại, các đội chia tay lưu luyến với niềm mong ước rồi sẽ có ngày hội “Làm bánh dân gian” tiếp theo để đến hẹn lại lên, cùng nhau trổ tài, đồng thời bảo tồn và phát huy bánh dân gian vốn có miền sông nước miệt vườn Vĩnh Long đã hơn 100 năm.
Huỳnh Biển
Theo