(Xây dựng) – Hiện nay, sau thời gian dài sử dụng vật liệu hóa thạch, xuất hiện một xu hướng là con người muốn quay về sử dụng vật liệu tự nhiên bản địa. Chính vì thế, trong những năm gần đây, gỗ, tre biến tính - vật liệu tương tự gỗ tự nhiên đã trở nên rất phổ biến như một vật liệu kiến trúc cao cấp với độ bền, tính bền vững và tính thẩm mỹ cao; được các kiến trúc sư và nhà thiết kế trên khắp thế giới ưa chuộng.
Vật liệu tự nhiên đang được ưa chuộng sử dụng cho các dự án, văn phòng làm việc. |
Vai trò của vật liệu tự nhiên, bản địa trong xu hướng sống xanh
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, ngành Xây dựng chiếm tới 38% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Điều này đã thúc đẩy các kiến trúc sư, nhà thầu và chủ đầu tư tìm kiếm các giải pháp vật liệu mang tính bền vững hơn. Trong những lựa chọn tối ưu, thì vật liệu từ gỗ, tre luôn được quan tâm hàng đầu.
Cây tre đã được sử dụng cho công trình trong nhiều thế kỷ và quen thuộc ở các nước châu Á. Theo nghiên cứu thì tre hấp thụ lượng CO2 gấp 4 lần các cây khác. Tre sinh trưởng rất nhanh nên có thể giữ lại lượng CO2 cực lớn, được ví như một “bể chứa carbon” khổng lồ, một giải pháp tự nhiên có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Và ở phương Tây, nhiều nơi đã sử dụng gỗ tre như một giải pháp thay thế khả thi cho các vật liệu xây dựng truyền thống như gỗ, thép và bê tông. Một số nước ở châu Âu và Mỹ xây dựng những ngôi nhà chọc trời hoàn toàn bằng gỗ, chỉ kèm một chút kết cấu bê tông bên trong và ứng dụng khoa học công nghệ vào thi công, hướng tới không dùng vật liệu hóa thạch, giảm thiểu tác hại đến môi trường.
Không gian thân thiện và kết nối hơn nhờ vật liệu từ tre và gỗ. |
Một trong những lý do khiến gỗ, tre được chú ý như một vật liệu kiến trúc cao cấp là tính bền vững của nó. Ngoài ra, gỗ và tre còn có các đặc tính kỹ thuật ưu việt như độ đàn hồi, độ chịu lực uốn và kéo tốt hơn nhiều loại vật liệu khác, nên trở thành lựa chọn tuyệt vời cho các ứng dụng kết cấu. Vẻ đẹp tự nhiên của gỗ -tre cũng là một lợi thế, bởi nó có kết cấu và hoa văn độc đáo, tạo cảm giác ấm áp và tự nhiên cho bất kỳ không gian nào.
Ứng dụng linh hoạt của gỗ tre cũng là một ưu điểm, bởi nó có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng kiến trúc như sàn, tường, trần nội ngoại thất cho đến việc thay thế cho các vật liệu khung truyền thống như gỗ. Nó cũng có thể được sử dụng trong thiết kế đồ nội thất, tạo nên sự sang trọng độc đáo tự nhiên.
Trong khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm gỗ chất lượng cao ngày càng gia tăng, thì nguồn cung ngày càng hạn chế. Có một thực tế là gỗ rừng tự nhiên thuộc nhóm 1 và nhóm 2 đang dần cạn kiệt do bị khai thác quá mức, dẫn đến tàn phá nghiêm trọng và ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường và gây biến đổi khí hậu. Gỗ rừng trồng hợp pháp thì thường mềm, không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và độ bền khi ứng dụng làm nội ngoại thất, nhất là khi ứng dụng cho các các công trình ngoài trời.
Thiết kế nội thất cho các khu vực môi trường có nhiều tác nhân như nhiệt độ, ẩm mốc, mối mọt, mài mòn… thì không phải loại vật liệu tự nhiên nào cũng đảm bảo chất lượng thi công. |
Đặc biệt khi thiết kế nội thất cho các khu vực môi trường có nhiều tác nhân như nhiệt độ, ẩm mốc, mối mọt, mài mòn… thì không phải loại vật liệu tự nhiên nào cũng đảm bảo chất lượng thi công. Với các thiết kế ngoại thất thì lại càng ít loại gỗ có thể sử dụng được bởi nhược điểm của gỗ tự nhiên thường dễ mục, dễ cháy, kích thước không ổn định, dễ nứt và biến dạng dưới tác động của nhiệt độ, độ ẩm… Những nhược điểm này đã hạn chế phạm vi sử dụng và giá trị ứng dụng của gỗ tự nhiên.
Bên cạnh đó, gỗ ở trạng thái tự nhiên có cấu tạo mạch dạng rỗng, mềm, nhẹ, luôn hấp thụ và thải hồi nước tùy theo tình trạng môi trường xung quanh. Việc này làm thay đổi thể tích, trọng lượng, độ bền, và thẩm mỹ của gỗ và làm giảm giá trị của gỗ. Do vậy đòi hỏi các nhà nghiên cứu về chế biến lâm sản phải làm thế nào để biến tính được vật liệu tự nhiên để đáp ứng nhu cầu xây dựng đòi hỏi độ cứng và khả năng chịu lực cao.
Khó khăn nào trong đầu tư sản xuất vật liệu tự nhiên tại Việt Nam?
Tại Việt Nam, tre và gỗ biến tính còn khá mới mẻ và có rất ít người biết đến. Do ít phổ biến như vậy nên cũng không nhiều đơn vị cung cấp sản phẩm này. Các nhà máy xử lý biến tính gỗ hiện tại còn có quy mô nhỏ và chưa thực sự tiên tiến, hiện đại, dẫn đến việc không đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật cho các dự án và công trình lớn. Trong khi đó, với thị trường nước ngoài thì gỗ biến tính được sử dụng khá rộng rãi, chủ yếu để giúp các loại gỗ thường có chất lượng như gỗ cao cấp hoặc dùng ngoài trời.
Ứng dụng linh hoạt của gỗ và tre trong những ngôi nhà hiện đại. |
Trên thị trường, hiện đang nổi lên các thương hiệu như: Bamboo King Vina -chuyên xử lý biến tính gỗ, tre bằng công nghệ thủy nhiệt kết hợp nano vô cơ - là công nghệ hoàn toàn mới, lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới. Gemmy Wood tạo ra một sản phẩm gỗ khác biệt thay thế các nhóm gỗ quý dần khan hiếm trên thị trường Việt Nam và thế giới, để cung ứng ra thị trường. Đó là sản phẩm gỗ biến tính được sản xuất bằng công nghệ xử lý ép hóa nhiệt hiện đại, duy nhất tại Việt Nam và dẫn đầu xu hướng của thế giới đã ra đời và được đăng ký sáng chế tại USA năm 2016. Một số doanh nghiệp khác cũng đang nỗ lực nghiên cứu để phát triển các sản phẩm vật liệu tre gỗ biến tính phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Đỗ Quốc Thái, Chủ tịch Công ty Bamboo King Vina tại Thanh Hóa cho biết: Chúng tôi nhận thấy rằng, xu hướng vật liệu tự nhiên lên ngôi trong tương lai. Mong muốn đưa ra thị trường vật liệu thân thiện môi trường, có khả năng cách nhiệt tốt, dẻo dai chống gió bão… biến sản phẩm giá trị thấp thành giá trị cao, phục vụ thị trường trong nước và đưa ra quốc tế.
Xu hướng vật liệu tự nhiên lên ngôi trong tương lai. |
Theo ông Thái, khi đầu tư sản xuất vật liệu truyền thống gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục hành chính pháp lý; chưa có chính sách xuyên suốt của Chính phủ để phát triển một ngành nghề mang lại giá trị kinh tế lớn, tạo thu nhập cho người dân; không có công nhân lành nghề; không có viện nghiên cứu để giúp đỡ doanh nghiệp như những nước khác…
“Vì vậy, muốn phát triển vật liệu xây dựng tự nhiên cần có ý thức của cả một cộng đồng xã hội và Chính phủ. Vì Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050. Do đó, rất cần có chính sách Nhà nước để định hình, thông tin giúp người dân hiểu được giá trị dùng sản phẩm bảo vệ môi trường, tốt cho sức khoẻ cũng như có tính bền vững nhờ công nghệ” – ông Đỗ Quốc Thái nhấn mạnh.
Ngọc Hà
Theo