(Xây dựng) – Sáng 25/6, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Từ hoạch định chính sách đến hành động và vai trò của báo chí, truyền thông”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động của Dự án “Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam II” do Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chia sẻ: “Nếu chúng ta sử dụng điện hiệu quả hơn sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư cho xã hội, cũng như tiết kiệm chi phí cho chính bản thân và gia đình. |
Hoạt động nhằm chia sẻ chuyên môn tác nghiệp báo chí trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và năng lượng bền vững. Đồng thời cũng là cơ hội để phóng viên và các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có cơ hội tương tác thảo luận về vai trò truyền thông trong lĩnh vực này.
Tại Việt Nam với quy mô nền kinh tế đang tăng nhanh, cụ thể tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 6 - 7% trong vòng vài thập kỷ gần đây, kéo theo đó, nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: Ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 20 về công tác thực hiện tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025. Đặc biệt, ngày 14/2/2024, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 05 về đảm bảo cung ứng điện, than, dầu khí để đảm bảo điện cho năm 2024. Trong 12 nhóm giải pháp lớn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vai trò của công tác tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
“Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) xác định truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, có vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông với nòng cốt là những nhà báo, phóng viên trên khắp cả nước” - ông Vũ nhấn mạnh.
Cùng chung nhận định trên, ông Đào Nhật Đình - Hội đồng Khoa học, Tạp chí Năng lượng Việt Nam tham gia ý kiến với hình thức trực tuyến khẳng định vai trò của công tác truyền thông là vô cùng quan trọng. Ông cho rằng: “Công tác tuyên truyền giúp người dân nhận thức nếu mua thiết bị điện thì nên mua sản phẩm được dán nhãn tiết kiệm, kiến trúc sư thiết kế công trình thì nên thiết kế và lựa chọn các sản phẩm vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng… đây là vai trò và nhiệm vụ của truyền thông” - chuyên gia Đào Nhật Đình nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, nhiều phóng viên cũng đưa ra vấn đề về lý do nhiều chuyên gia còn e ngại trả lời các cơ quan báo chí, truyền thông, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chia sẻ: Chuyên gia lo nhà báo cắt bớt nội dung, hiểu không đúng vấn đề. Đây là điều khiến chuyên gia “e ngại”. Đồng thời, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng mong nhà báo, phóng viên cần lưu ý dành nhiều thời gian nghiên cứu hơn và trao đổi kỹ hơn với chuyên gia; không được bẻ ý của chuyên gia, sẽ làm mất khả năng giao tiếp giữa chuyên gia và nhà báo.
Để đảm bảo thông tin được chuẩn xác, tăng cường sự tương tác, hợp tác giữa chuyên gia và các phóng viên, nhà báo, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng sạch và tăng trưởng xanh cho rằng, bản thân chuyên gia cũng cần nghiên cứu rất kỹ nội dung báo chí hỏi vì liên quan đến uy tín của chuyên gia. Tuy nhiên, nếu thiếu sự cảm thông giữa nhà báo và chuyên gia sẽ rất khó để kết nối giữa hai bên.
Ông Lê Anh Tuấn - Phụ trách Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Điện lực (thứ hai bên trái) đánh giá rất cao vai trò của truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. |
Theo ông Hà Đăng Sơn, các nhà báo cần gửi bài cho chuyên gia trước khi đăng để kiểm duyệt lại nội dung. Nhiều nhà báo viết rất hay nhưng có thể diễn giải chưa đúng ý chuyên gia. Chuyên gia không ngại vấn đề đó, nhưng báo chí không nên "lờ" chuyên gia đi, sẽ khiến chuyên gia không muốn hợp tác.
Nói về công tác truyền thông tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả, ông Lê Anh Tuấn - Phụ trách Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Điện lực cho biết: Vai trò truyền thông được đánh giá rất cao. Quảng bá nhiều chương trình năng lượng, thiết bị năng lượng. Trường Đại học Điện lực cũng đưa những nội dung này vào tọa đàm, chương trình đào tạo của nhà trường.
Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Trịnh Quốc Vũ mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình hiệu quả.
Mộc Miên
Theo