(Xây dựng) - Ngày 24/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dù đã được ban hành nhiều Nghị quyết, nhưng Nghị quyết của Bộ Chính trị đã chỉ ra rằng trước bối cảnh thách thức của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong quá trình hội nhập cạnh tranh quốc tế thì còn có một số hạn chế như cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng chậm được ban hành, một số rào cản, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời; các thách thức về công tác quản lý đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thành phố.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị quyết là cần thiết và bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và tính hệ thống của pháp luật. Nghị quyết chỉ quy định một số cơ chế, chính sách phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của thành phố Đà Nẵng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành; đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền thành phố Đà Nẵng, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của thành phố và các cơ quan liên quan.
“Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Đà Nẵng phải phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương và đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố lớn khác trong cả nước”, ông Dũng nêu.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban này đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế đặc thù cho thành phố, có thể tác động, thay đổi lớn về công tác quy hoạch, ngân sách Nhà nước, tổ chức chính quyền các cấp… nên cần phải thận trọng, có đánh giá, tổng kết trước khi ban hành chính sách dài hạn.
Thường trực Ủy ban cũng đề nghị chỉ ban hành chính sách thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù trong một giai đoạn nhất định để có thời gian tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả của chính sách, bảo đảm phù hợp, thống nhất với cơ chế, chính sách đặc thù của một số thành phố lớn do Quốc hội quyết định; không gây ảnh hưởng lớn đến cân đối và vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp năm 2013; không làm tăng bội chi ngân sách Nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định.
“Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự ổn định tương đối và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời, góp phần tăng mức độ đóng góp của thành phố đến sự phát triển của cả nước nói chung”, ông Hải nhấn mạnh.
Về huy động vốn đầu tư phát triển, đa số ý kiến nhất trí với tờ trình của Chính phủ, cho phép tổng mức dư nợ vay của thành phố không quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp, vì việc quy định tăng giới hạn mức dư nợ vay sẽ bảo đảm cho thành phố có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như hiện nay. Đồng thời, đáp ứng được nhu cầu vay lại vốn nước ngoài đã ký Hiệp định hoặc dự kiến kêu gọi vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ trong thời gian tới để thực hiện đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của thành phố.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành cho phép Đà Nẵng thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị cũng như cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng để bảo đảm tính tương quan, tương đồng giữa các thành phố trong cả nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát.
Tuấn Anh (T/H)
Theo