(Xây dựng) - Tôi đến Đà thành trong một chiều mưa rây bụi. Lang thang qua các con đường dài ngoằn ngoèo như một quá khứ, để tìm về những ký ức xưa. Đà thành, nơi tôi và ba tôi có một kỷ niệm đẹp. Và cũng nơi đây đã chắp cánh cho ước mơ trong cuộc đời của tôi.
…Lộc cộc trên chiếc xe cũ, ba đã đèo tôi hơn một trăm cây số từ cuối Quảng Nam ra Đà Nẵng chỉ để dạo chơi. Đó có lẽ là phần thưởng hạnh phúc nhất cuộc đời tôi cho đến bây giờ. Cậu sinh viên với niềm vui vừa nhận được học bổng kì đầu, lại nhân đôi niềm vui khi ngồi phía sau chiếc xe máy để ba chở dạo Đà thành. Hình như chuyến đi ấy ngoài lý do là phần thưởng cho tôi thì ba còn như để ôn lại những kỷ niệm một thời của ba cùng Đà Nẵng.
Ba chở tôi lòng vòng qua những con đường đang thi công dang dở của Đà Nẵng lúc bấy giờ. Từ ngã ba Huế còn nhập nhụa dựng xây dở dang, ba con tôi rẽ xuống trung tâm thành phố. Con đường Điện Biên Phủ thuở ấy còn hẹp lắm. Tôi vẫn nhớ ba vừa chạy vừa rà đôi chân qua các ổ voi, ổ gà bên những lô cốt người ta dựng giữa đường để làm cống, mương thoát nước và tu sửa đường. Ngồi sau xe ba, tôi như một du khách hạnh phúc nhất quả đất, vừa được miễn phí chuyến du lịch, lại vừa được một hướng dẫn viên nhiệt tình giới thiệu về Đà Nẵng…
Tôi nhớ lúc đấy, thuở ba con tôi loanh quanh Đà Nẵng thì Đà Nẵng chưa đã có nhiều ngôi nhà đồ sộ, những building chọc trời, chưa có những con đường chục mét, và rõ ràng khuôn mặt Đà Thành cũng chưa khang trang như bây giờ. Đang trôi theo dòng người trên phố cùng những hoài niệm miên man, tôi chợt sững người dừng lại. Kìa, một khu phố với nhiều ngôi nhà có mái hiên bằng tăm tắp! Những ngôi nhà không đồ sộ nhưng sang trọng. Dường như là một khu phố trí thức, có lẽ vậy bởi sự sang trọng và yên ắng lạ thường, bởi sự sắp xếp một cách chỉnh chu cho cấu trúc cả một khu dài. Hình như thỉnh thoảng đâu đó tôi có thấy kiểu kiến trúc khu phố này trong thành phố. Có thể thấy một điều, từ việc bố trí quy hoạch, lãnh đạo thành phố đã suy tính cẩn trọng. Một chút dừng lại, và rồi xe tôi lại lăn bánh. Con phố dài lại đổ ra đại lộ. Dòng người lại hối hả trong mưa bụi chiều đông, tự nhiên thấy mình thảnh thơi đến lạ. Một nơi xa lạ, không gắn bó với mình nhưng sao thấy thân quen đến thế. Dường như tôi cố chạy qua những ngã đường để tìm lại ký ức của tôi cùng ba cách đây hơn mười lăm năm về trước. Nhưng đường Đà Nẵng đã trở một diện mạo mới.
Điện Biên Phủ giờ thênh thang hai chiều mười mấy thước chứ chẳng còn con đường bé tẹo với ổ voi, ổ gà và lô cốt nhưng thuở kia. Ngày ba con tôi dạo trên đường Bạch Đằng, cầu quay sông Hàn đang trong quá trình hoàn thiện. Ba ước phải chi đi muộn sẽ được đứng trên cây cầu quay đầu tiên của Đông Nam Á ấy. Giờ đây, trong một chiều mưa đông lất phất, tôi đứng lặng trên cầu nhìn sang bờ tây, tòa nhà hành chính hình quả bắp, Novotell chọc trời… và phía bờ Nam hàng chục khách sạn, chung cư san sát nhau. Tôi cố nán lại, dường như đứng ngắm thành phố, hình như cố ngắm luôn cả phần của ba.
Tôi lại dọc theo sông Hàn, con đường Bạch Đằng vào đông cũng không thôi thu hút người và xe cộ. Trong nhiều con đường Đà thành, có lẽ tôi thích nhất là đường Bạch Đằng. Bạch Đằng mang nét cổ kính lại vừa mang nét thơ mộng của một con đường ven sông. Người và xe nườm nượp nhưng tiệt nhiên không ồn ào, huyên náo. Những chiếc du thuyền đậu san sát làm Bạch Đằng và sông Hàn thêm phần quý phái.
Và đây là cầu Rồng, cây cầu có thiết kế độc đáo đã từng lên sóng biết bao kênh truyền hình trong và ngoài nước. Tôi nhớ có lần thầy dạy tôi bảo, rồng là con vật linh thiêng, biểu trưng cho hồn cốt của dân tộc. Rồng xuất thân từ biển Đông, đó là hình dáng của cha Long Quân. Vậy lẽ ra cầu Rồng phải hướng từ phía Đông quay đầu vào bờ, nhưng thiết kế ở đây, đầu rồng lại hướng ra biển. Thầy bảo, đó không phải lỗi kỹ thuật mà có lẽ, ý đồ nhà thiết kế là muốn rồng đưa Đà Nẵng vươn ra khơi, thể hiện sự trỗi dậy, hội nhập của Đà Nẵng cùng bè bạn bốn bể năm châu. Với tôi, tôi không nhiều ý niệm về việc xây dựng hướng của cầu Rồng, tôi chỉ nghĩ đơn giản, thiết kế cây cầu mang hình Rồng chứng tỏ một điều, trong tâm thức người dân Đà Nẵng, dù có hội nhập phát triển thế nào đi chăng nữa, họ vẫn luôn neo giữ ý thức về cội nguồn, đó là niềm hạnh phúc.
Đứng trên cầu Rồng khi đêm đã ngã màu đặc quánh, nhìn cạnh bên, cầu sông Hàn đã lên đèn, dòng đèn xanh đỏ phản chiếu làm cho sông Hàn càng thêm lung linh hơn bao giờ hết. Và xa hơn, cây cầu Trần Thị Lý dáng hình nghiêng nghiêng mềm mại cũng lấp lánh nên thơ. Những cây cầu đã góp phần làm nên bộ mặt của thành phố về đêm. Đà Nẵng như nàng thiếu nữ tuổi đôi mươi đang độ sắc hương khiến bao người mê đắm. Tự nhiên tôi thấy mình yêu Đà Nẵng đến lạ. Đà Nẵng làm tôi thấy thân thương, bởi nơi đây có những hồi ức đẹp của ba tôi, có cả những kỷ niệm đẹp của tôi cùng ba năm ấy, và có cả niềm yêu của tôi dành cho Đà Nẵng hiện tại. Yêu Đà Nẵng, yêu những con đường giăng mắc yêu thương, yêu những cây cầu khơi lên nhiều mộng tưởng như con người ta yêu lấy phần hồn của chính mình.
Và kia, Rồng đang phun lửa! Dưới ánh sáng của ngọn lửa rồng, Đà Nẵng hiện lên thật rực rỡ, thật tráng lệ. Giữa đêm đông vây phủ, giữa những ngày dịch bệnh Covid trở nặng, ngọn lửa rồng vẫn hừng hực cháy, vẫn hừng hực soi để Đà Nẵng bừng sáng giữa tứ bề bóng tối. Dưới ánh sáng của ngọn lửa thiêng, Đà Nẵng còn sáng lên cả tình người dành cho nhau trong cơn bạo bệnh; Đà Nẵng còn sáng lên niềm tin yêu và sự lạc quan, niềm khao khát đón chào một bình minh mới vọng về từ phía biển. Tự nhiên tôi có một niềm tin thủy chung rằng, tôi sẽ gắn bó với nơi này, bởi tôi đã có với Đà Nẵng những hoài niệm đẹp, giờ đây tôi lại có cả những ước vọng về một Đà Nẵng của ngày mới huy hoàng.
Thanh Tuân
Theo