(Xây dựng) - Tiến sĩ Scott McDonald - Giảng viên Đại học RMIT đề xuất phát triển thêm nhiều khu công nghiệp bền vững ở Việt Nam để làm sứ giả cho phong trào sinh thái và khuyến khích các ngành công nghiệp khác làm theo.
Tiến sĩ Scott McDonald - giảng viên Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam |
Khái niệm Khu công nghiệp bền vững và Khu công nghiệp sinh thái đã và đang thu hút được sự chú ý tại Việt Nam, phù hợp với các mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường mà Việt Nam đã cam kết hướng tới khi tham gia Liên minh về Khí hậu và Không khí sạch (CACC) của UNEP năm 2017. Thực tế một số sáng kiến đã được thực hiện nhằm thiết lập và thúc đẩy hoạt động bền vững trong các Khu công nghiệp, cũng như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đầu tư vào các cơ sở này.
Các Khu công nghiệp bền vững có đặc điểm ra sao?
Các Khu công nghiệp bền vững/ Khu công nghiệp sinh thái được thiết kế để giảm thiểu tác động đến môi trường, thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên và triển khai các thông lệ bền vững tại những doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi Khu công nghiệp. Những Khu công nghiệp này chú trọng việc tích hợp các cân nhắc về môi trường, xã hội và kinh tế vào cách thiết kế, vận hành và quản lý.
Có nhiều ví dụ từ khắp nơi trên thế giới mà Việt Nam có thể học hỏi và làm theo, chẳng hạn như Khu công nghiệp sinh thái Kalundborg ở Đan Mạch. Là một cộng đồng nhỏ ven biển, thành phố Kalundborg tiết kiệm được 24 triệu euro hàng năm nhờ Khu công nghiệp sinh thái này. Nhưng khoản tiết kiệm không chỉ dừng lại ở phương diện tài chính – quy trình hoạt động của Khu công nghiệp này còn giúp giảm tiêu thụ 635.000 tấn CO2, 3,6 triệu m3 nước, 100 GWh năng lượng và 87.000 tấn vật liệu rắn. Không tệ đối với một thị trấn chỉ có 16.000 dân.
Các Khu Công nghiệp bền vững/ Khu Công nghiệp sinh thái trong tương lai ở Việt Nam có thể bao gồm cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, hệ thống quản lý nước hiệu quả, cơ sở tái chế chất thải và không gian xanh để giảm tác động đến môi trường.
Các Khu Công nghiệp này cũng nên chú trọng vào hiệu quả sử dụng tài nguyên bằng cách thúc đẩy phương pháp sản xuất sạch hơn, giảm tiêu thụ năng lượng và qua đó giảm lượng khí thải carbon, tối ưu hóa việc sử dụng nước, giảm thiểu phát sinh chất thải thông qua các nguyên tắc tái chế và kinh tế tuần hoàn.
Một đặc điểm quan trọng khác là việc sở hữu các chứng nhận xanh, chẳng hạn như LEED (Thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường) hoặc EDGE (Thiết kế xuất sắc để đạt hiệu quả cao hơn) do Viện chứng nhận công trình xanh (GBCI) cấp, nhằm thể hiện việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và thông lệ bền vững.
Ngoài các khía cạnh môi trường rõ rệt, các Khu Công nghiệp bền vững/ Khu Công nghiệp sinh thái có thể đặt mục tiêu đóng góp cho sự phát triển xã hội bằng cách cung cấp cơ hội việc làm, tăng cường đào tạo kỹ năng và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người lao động tại Khu Công nghiệp.
Họ cũng có thể hợp tác với các cơ quan chính phủ, các bên liên quan trong khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và cộng đồng địa phương để cùng thực hiện các sáng kiến bền vững, chia sẻ những thông lệ tốt nhất và thúc đẩy đổi mới.
Tại sao nên đầu tư vào các Khu Công nghiệp bền vững?
Đầu tư vào Khu Công nghiệp bền vững/ Khu Công nghiệp sinh thái tại Việt Nam mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư về cả mặt tài chính lẫn phát triển bền vững.
Trên phương diện tài chính, nhà đầu tư vào các Khu Công nghiệp này có thể hưởng lợi từ nhiều ưu đãi, lợi ích về thuế và hỗ trợ của chính phủ, bao gồm giảm giá thuê đất, miễn thuế, cho vay ưu đãi và các khoản trợ cấp nhằm hỗ trợ công nghệ thân thiện với môi trường. Các nhà đầu tư cũng có thể tiếp cận các lựa chọn tài chính xanh và quỹ đầu tư bền vững, nhờ đó mà tạo được thêm nhiều cơ hội tăng trưởng.
Các Khu Công nghiệp sinh thái bền vững đặt ưu tiên cao vào hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm chất thải. Điều này có thể giúp đảm bảo tiết kiệm chi phí lâu dài đáng kể như trong ví dụ về Khu Công nghiệp Kalundborg đã đề cập phía trên.
Ngoài ra, việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế sẽ nâng cao danh tiếng toàn cầu của nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia vào các thị trường có quy định nghiêm ngặt về môi trường.
Việc hướng tới các thông lệ thân thiện với môi trường không chỉ phản ánh cam kết của nhà đầu tư về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và tính bền vững mà còn nâng cao hình ảnh thương hiệu của họ, qua đó họ có thể mở rộng phạm vi thị trường và tăng doanh số.
Cuối cùng, sự tham gia vào Khu Công nghiệp bền vững/ Khu Công nghiệp sinh thái sẽ đẩy mạnh gắn kết với cộng đồng và các bên liên quan, tạo ra năng lượng cộng hưởng và khả năng hỗ trợ lẫn nhau giữa các tổ chức.
Các Khu Công nghiệp bền vững/ Khu Công nghiệp sinh thái trong tương lai ở Việt Nam có thể bao gồm cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo. |
Chính phủ đã và đang hỗ trợ phát triển công nghiệp bền vững bằng cách ban hành các nghị định và/hoặc chính sách, nhưng những ưu đãi đặc biệt dành cho các nhà đầu tư vẫn cần được định hình rõ ràng hơn để khuyến khích các ngành công nghiệp và doanh nghiệp trong các Khu Công nghiệp áp dụng các thông lệ bền vững và vận hành trong khuôn khổ thân thiện với môi trường.
Chắc chắn có thách thức khi triển khai các thông lệ bền vững trong các ngành công nghiệp, chẳng hạn như làm thế nào để cân bằng tăng trưởng kinh tế với tính bền vững của môi trường, hay vượt qua các rào cản đầu tư ban đầu. Những khó khăn này không dễ khắc phục, nhưng với nỗ lực của Chính phủ trong việc dẫn dắt sáng kiến này, hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ có thêm nhiều Khu Công nghiệp bền vững/ Khu Công nghiệp sinh thái hình thành trong những tháng năm tới.
Đầu tư vào phát triển các Khu Công nghiệp bền vững không chỉ là đầu tư cho tương lai, đó là đầu tư cho hạnh phúc chung của cộng đồng, cho môi trường và cho ngày mai của tất cả chúng ta.
Tuyết Hạnh (Nguồn: Đại học RMIT)
Theo