(Xây dựng) - Sáng 12/10, tại Hà Nội, Báo điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan, công ty truyền thông Công ty Cổ phần Tiếp thị và Kinh doanh Quốc tế BGC tổ chức Diễn đàn “Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam”.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Đỗ Tiến Sỹ Phát biểu khai mạc diễn đàn. |
Trong những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng. Các nguồn năng lượng truyền thống gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường. Thực hiện cam kết đảm bảo an ninh năng lượng và tầm nhìn năng lượng quốc gia, Việt Nam đã bắt đầu đặt ra mục tiêu về phát triển năng lượng xanh, giảm lượng khí nhà kính. Mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như cam kết tại COP26, đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn.
Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch không dễ dàng. Việc xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng sạch đòi hỏi đầu tư lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định. Đặc biệt, cần phải có những chính sách hỗ trợ thích hợp để khuyến khích các doanh nghiệp và người dân tham gia vào việc sử dụng năng lượng sạch. Việc này đòi hỏi sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng từ phía chính quyền để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời đảm bảo lợi ích người tiêu dùng.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Đỗ Tiến Sỹ cho biết, năm 2023 được xem là mốc thời điểm quan trọng trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng của Việt Nam, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, là một trong những ưu tiên và nhu cầu hàng đầu hiện nay.
Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như: Điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học Biogas, bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có như điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện và điện than.
Ông Hoàng Việt Dũng - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu tại diễn đàn. |
Để tận dụng được hết tiềm năng vốn có Việt Nam rất cần có những chính sách khuyến khích để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng.
Với sự hỗ trợ từ các chính sách cụ thể, những dự án năng lượng tái tạo sẽ có cơ sở để phát triển và thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tham luận tại hội thảo, ông Hoàng Việt Dũng - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, nhu cầu năng lượng trong nước tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001-2010, khoảng 7% trong giai đoạn 2011-2019 trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001-2010 và khoảng 9,71% trong giai đoạn 2011-2021.
Phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010, khoảng 67.7% năm 2020, và sẽ chiếm khoảng 73.1% và 79.7% vào năm 2030 và 2050 theo kịch bản thông thường.
Ông Hoàng Việt Dũng dự báo, trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.
Từ thực trạng trên, ông Dũng cho rằng cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, Việt Nam cũng cần nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
Toàn cảnh diễn đàn “Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam”. |
Tham luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Cường – Chuyên gia cao cấp về năng lượng của Tập đoàn T&T đã trình bày những cơ hội và thách thức trong phát triển điện gió ngoài khơi. Theo đó, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn, đường bờ biển dài, trong khi đó nhu cầu điện của Việt Nam đang ngày một tăng cao. Giá thành sản xuất điện gió ngoài khơi có xu hướng tiếp tục giảm trước tình hình các nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt, nhiệt điện than bị hạn chế phát triển, nhu cầu chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ gắn với cam kết giảm phát thải khí nhà kính là những tiềm năng và cơ hội để Việt Nam có thể phát triển điện gió ngoài khơi.
Đối với Tập đoàn T&T, ông Cường cho biết một số khó khăn và thách thức chính mà tập đoàn đang gặp phải, đó là khung chính sách chưa đầy đủ và hoàn thiện; vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong phát triển điện gió ngoài khơi; Thứ ba mặc dù đã giảm nhưng chi phí quy dẫn (LCOE) vẫn còn cao và có sự chênh lệch vầ chi phí quy dẫn khá lớn giữa các vùng miền của Việt Nam; Thứ tư là thời gian không còn nhiều để đạt được mục tiêu 6 GW.
Từ đây, Tập đoàn T&T kỳ vọng sẽ sớm hoàn thiện khung chính sách về phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nói chung, điện gió ngoài khơi nói riêng, ngoài ra cần xem xét cấp phép cho khảo sát, đo gió cho các dự án điện nước ngoài khơi. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp và đồng bộ giữa các ban ngành, cần quan tâm tới phát triển công nghệ và cần đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện gió ngoài khơi.
Tại Diễn đàn, phiên thảo luận “Hướng đi cho ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” do TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh điều phối và có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong ngành đã đưa ra những cơ hội cũng như những thách thức đang phải đối mặt, tìm cách giải quyết để phát triển ngành năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới.
Lê Trang
Theo