(Xây dựng) – Từ độc canh cây lúa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa lĩnh vực, lấy nông nghiệp, công nghiệp, phát triển rừng kinh tế, dịch vụ thương mại làm trọng… giờ đây, diện mạo nông nghiệp, nông thôn huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã có nhiều đổi mới, ngày càng khang trang hơn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Giao thông nông thôn xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong. |
Sau hơn 12 năm chung sức, đồng lòng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới cùng với việc cơ cấu kinh tế được chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn huyện Triệu Phong chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, có quy mô, an toàn, nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP tham gia chuỗi giá trị gia tăng, tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tập trung đầu tư có kết quả. Ðời sống vật chất, tinh thần và văn hóa của đại bộ phận nhân dân ngày càng được nâng cao. Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng Nông thôn mới được nâng lên rõ rệt.
Hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, trật tự an toàn xã hội đô thị, nông thôn luôn được tăng cường giữ vững. Đến nay, toàn huyện có 14/17 xã được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới, đạt bình quân toàn huyện 18,5 tiêu chí/xã; huyện đạt 5/9 tiêu chí huyện Nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 62,7 triệu triều đồng/người, tăng hàng chục triệu đồng so với năm 2010.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định mục tiêu lớn là phấn đấu xây dựng huyện Triệu Phong đạt chuẩn Nông thôn mới trước năm 2025, với mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu và đạt tất cả các tiêu chí huyện Nông thôn mới.
Ông Trần Xuân Anh – Bí thư Huyện ủy Triệu Phong khẳng định: Xây dựng Nông thôn mới là một quá trình liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, xây dựng Nông thôn mới đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, bền vững, lấy chất lượng cuộc sống người dân nông thôn làm thước đo. Vì vậy, Triệu Phong đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược nhằm hiện thực hóa của mục tiêu đã đề ra.
Cụ thể, huyện Triệu Phong tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, có lộ trình, cụ thể, hiệu quả, thiết thực, nghiên cứu đề xuất cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, nhằm phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương. Người đứng đầu, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, cuộc vận động; khơi dậy truyền thống đoàn kết, cần cù lao động, sáng tạo của nhân dân cùng chung sức xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới, hướng tới Nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị xã hội các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ; nhân dân đóng vai trò chủ thể trong xây dựng Nông thôn mới, là người thụ hưởng, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, định hướng, hỗ trợ, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu. Từ đó, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, huy động hiệu quả mọi nguồn lực của xã hội cả về trí tuệ, công sức và vật chất để xây dựng Nông thôn mới.
Thực hiện tốt dân chủ cơ sở công khai, minh bạch các khoản đóng góp, công khai các quy hoạch, đề án, công trình xây dựng Nông thôn mới ở địa phương. Phân cấp mạnh, phù hợp để cộng đồng dân cư trực tiếp tham gia xây dựng các công trình, phát huy vai trò giám sát của ban giám sát cộng đồng. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rút kinh nghiệm và biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo.
Xây dựng Nông thôn mới cần đi vào thực chất, hiệu quả, lấy tiêu chí tăng thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân ở khu vực nông thôn làm mục tiêu, cư dân nông thôn làm chủ thể. Do đó, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể, tổ hợp tác, ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Lấy doanh nghiệp làm động lực, liên kết chuỗi giá trị đồng bộ từ khâu đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Làm tốt công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang nông thôn sạch đẹp; hướng dẫn, động viên nhân dân thực hiện tốt việc phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại hộ gia đình. Tăng cường đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, phát triển các đường hoa yêu thương, hình thành các vườn kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, gia đình văn hóa tiêu biểu… để nông thôn trở thành miền quê đáng sống.
Tin tưởng rằng, từ những bài học kinh nghiệm đúc rút từ quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, đồng sức, nỗ lực phấn đấu của nhân dân toàn huyện, Triệu Phong sẽ thành công trong xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới trước năm 2025.
Hữu Tiến
Theo