(Xây dựng) – Ngày 16/6, Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo trực tuyến góp ý quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu trong Dự thảo Nghị định quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Hội thảo trực tuyến góp ý quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu trong Dự thảo Nghị định quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020. |
Xây dựng khung pháp lý cho cơ chế EPR
Theo ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó có nội dung về trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu về tái chế và xử lý sản phẩm, bao bì là chất thải quy định tại Điều 54 và Điều 55.
Dự kiến quy định này sẽ ảnh hưởng đến các tổ chức sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì thuộc danh mục các sản phẩm, bao bì phải được tái chế, gồm: Sản phẩm điện, điện tử, pin, ắc quy, dầu, nhớt, săm, lốp, phương tiện giao thông, máy móc công trình và bao bì các loại.
EPR được định nghĩa là một “cách tiếp cận dưới góc độ chính sách bảo vệ môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng tới tận giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó” (Hướng dẫn thực hiện Công ước Basel của Liên Hợp Quốc năm 2019).
EPR đối với bao bì là một công cụ chính sách đã được chứng minh, đã liên tục tiến triển từ cuối những năm 1980/1990 tại châu Á (ví dụ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) và Liên minh châu Âu (ví dụ: Pháp, Đức).B4 Cơ chế này cũng đang ở giai đoạn phát triển ban đầu ở một số nước có thu nhập trung bình (ví dụ: Ấn Độ, Indonesia, Jordan, Nam Phi) và thu nhập cao (ví dụ: Chile, Singapore) cũng như có thể được áp dụng cho tất cả các chất thải bao bì (nhựa, bìa cứng, thủy tinh, kim loại). Trong khi có một vài trường hợp tự nguyện thì cơ chế EPR thường mang tính bắt buộc và dựa trên một khung pháp lý. Tùy thuộc vào mỗi quốc gia và loại chất thải khác nhau mà có phương pháp kết hợp các yếu tố đặc thù để tạo ra cơ chế EPR đối với bao bì. Không có giải pháp chung cho tất cả.
Để xây dựng khung pháp lý cho một cơ chế EPR đối với bao bì sản phẩm hiệu quả, thời gian vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, hoàn thiện pháp lý.
Xây dựng khung pháp lý dựa trên kinh nghiệm quốc tế cũng như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 50/2013/QĐ-TTg về “Quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ” và Quyết định số 16/2015/QĐTTg về “Quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ”, tuy hai quy định này không liên quan tới chất thải bao bì.
Lập ra Nền tảng EPR quốc gia vào tháng 3/2020 đánh một dấu mốc quan trọng gồm một tổ công tác thúc đẩy EPR ở Việt Nam, trong đó có vấn đề rác thải bao bì. Tổ công tác hiện nay có sự tham gia của đại diện các đơn vị quản lý khác nhau của BTNMT, các hiệp hội của khối tư nhân, các tổ chức xã hội và các tổ chức quốc tế.
Lộ trình thực hiện cho máy công trình xây dựng
Điều 90 dự thảo Nghị định quy định đối tượng và lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế, trong đó có danh mục sản phẩm, bao bì phải được tái chế, quy cách tái chế và lộ trình thực hiện được chia làm 6 nhóm gồm: Các sản phẩm nhóm A là sản phẩm điện – điện tử; Các sản phẩm nhóm B là ắc quy và pin các loại; Các sản phẩm nhóm C là dầu, nhớt các loại; Các sản phẩm nhóm D là săm, lốp các loại; Các sản phẩm nhóm E là phương tiện giao thông và máy móc công trình; Các sản phẩm nhóm G là bao bì các loại.
Đối với máy công trình xây dựng, giao thông (máy công trình các loại, xe công trình các loại) nằm trong các sản phẩm E (thứ tự số 35, 36 trong Phụ lục 52 về Danh mục sản phẩm, bao bì phải được tái chế, quy cách tái chế và lộ trình thực hiện), có lộ trình thực hiện từ 01/01/2025, có thể chọn các giải pháp như: Tháo dỡ an toàn, kiểm tra thu hồi các bộ phận cho tái sử dụng, phân riêng vật liệu và thu hồi kim loại, nhựa, thủy tinh, cao su dưới dạng phế liệu sử dụng được như nguyên liệu sản xuất của các ngành Công nghiệp; hoặc nghiền cắt toàn bộ xe, phân riêng vật liệu và thu hồi kim loại, nhựa, cao su dưới dạng phế liệu sử dụng được như nguyên liệu sản xuất của các ngành Công nghiệp;
Yêu cầu chung cho các giải pháp là thu hồi được trên 90% kim loại, 80% thủy tinh và 50% nhựa, cao su có trong một đơn vị sản phẩm dưới dạng bộ phận có thể tái sử dụng hoặc phế liệu sử dụng được như nguyên liệu sản xuất của các ngành Công nghiệp; Đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường (thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải và chất thải nguy hại phát sinh). Đồng thời, có giải pháp xử lý, tái chế một phần lượng chất thải nguy hại.
Thanh Nga
Theo