(Xây dựng) - Một loạt các dự án lớn và đặc biệt là đại công trường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 mở ra với khối lượng công việc khổng lồ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông phải giải quyết trong vòng 5 năm tới. Tuy đã có những kết quả tích cực ban đầu nhưng qua thực tiễn vẫn còn những bất cập trong thiết kế - thi công cần phải sớm khắc phục thì các mục tiêu về phát triển hạ tầng giao thông mới có thể hoàn thành.
Thiết kế dự án nút giao thông khác mức đường Hùng Vương - quốc lộ 1 thực hiện theo hình thức EC. |
Nhiều chuyên gia cho rằng mô hình tổng thầu EC được kỳ vọng sẽ khơi thông ách tắc trong đầu tư hạ tầng giao thông.
EC là gì?
Chuyến kiểm tra các dự án giao thông trọng điểm hồi đầu xuân Quý Mão, tại dự án sân bay Long Thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã không hài lòng về cách thức triển khai tại đây. “Tư vấn báo cáo một kiểu, chủ đầu tư nói một đằng”, Thủ tướng nói về sự thiếu thống nhất giữa các đơn vị thực hiện dự án.
Không chỉ tại dự án sân bay Long Thành mà hiện nay, trong quá trình thực hiện các dự án hạ tầng giao thông có sự đứt đoạn giữa thiết kế và thi công. Thực tế, thiết kế được duyệt nhưng khi thi công khi gặp những vấn đề phát sinh dẫn đến những sai khác so với thiết kế ban đầu khiến các bên phải mất thời gian lại với nhau khắc phục dẫn đến việc thi công kéo dài. Do hoạt động tư vấn thiết kế riêng rẽ với hoạt động thi công cho nên tính nhất quán trong, thậm chí có những độ vênh nhất định cho dù thuộc một công trình dự án. Khi xảy ra các lỗi hay vi phạm, khó phân định trách nhiệm của các nhà thầu do mỗi nhà thầu phụ trách một hoạt động thiết kế hoặc thi công.
Theo PGS.TS Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: “Hiện nay, chúng ta có 5 hình thức tổng thầu, gồm: Thiết kế; Thi công; Thiết kế (bước kỹ thuật) và thi công (EC); Tổng thầu thiết kế, cung ứng, thi công (EPC) và loại "chìa khóa trao tay" (full tunrky) chỉ áp dụng công trình dân dụng vốn tư nhân hoặc FDI. Trong đó, mô hình EC có tính logic cao, liên hoàn và đồng bộ kỳ vọng sẽ khắc phục được những xung đột giữa thiết kế và thi công đã xảy ra, thúc đẩy tiến độ hoàn thành công trình và kiểm soát được chất lượng thi công xây dựng”.
Luật Xây dựng hiện hành đã có những quy định về hợp đồng thiết kế - thi công (Engineering - Construction, gọi tắt là EC). Đây là hình thức hợp đồng cho phép một nhà thầu thực hiện đồng thời hai hoạt động thiết kế và thi công xây dựng công trình dự án. Theo đó, tổng thầu EC ký kết hợp đồng với chủ đầu tư, chịu trách nhiệm toàn bộ công việc thiết kế và xây dựng, có thể lựa chọn các nhà thầu phụ tham gia thực hiện các phần công việc phù hợp để hoàn thành dự án.
PGS.TS Dương Đăng Huệ - Nguyên Vụ trưởng vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết: “Theo quy định tại Khoản 23 Điều 4 Luật Đấu thầu, các gói thầu EPC, EC, PC, EP là các gói thầu hỗn hợp, do đó gói thầu EC đã được pháp luật quy định và thực tế đang được áp dụng rộng rãi. Ngoài ra, theo quy định tại Điểm d, Khoản 1 Điều 3 Nghị định 37/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021) về các loại hợp đồng xây dựng, thì hợp đồng EC và hợp đồng tổng thầu EC là hợp đồng việc thiết kế và thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình hoặc thiết kế và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng.
Khoản 2 Điều 9 Nghị định 37/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021) quy định căn cứ ký kết hợp đồng EC bao gồm báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc thiết kế FEED được duyệt.
Việc sử dụng gói thầu EC và căn cứ ký kết hợp đồng EC trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt được quy định rõ trong Luật Xây dựng”.
PGS.TS Dương Đăng Huệ cũng cho biết thêm, luật pháp về đấu thầu cho phép sử dụng thầu phụ đặc biệt để cùng với thầu chính làm những công việc chuyên môn như thiết kế. Thế giới, mô hình có nhà thầu tư vấn thiết kế đủ năng lực để tham gia làm nhà thầu phụ đặc biệt đã rất phổ biến trong xây dựng dân dụng, xây dựng các công trình giao thông. Đặc biệt phổ biến ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hiệu quả của EC
PGS.TS Trần Chủng lý giải mô hình Tổng thầu EC có triển vọng là phương án hiệu quả trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông khi khắc phục được những tồn tại trước đây: “Trách nhiệm được xác lập rõ ràng khi gói thầu không bị “xé nhỏ”. Tổng thầu là chủ thể chịu trách nhiệm toàn diện cho các giai đoạn thực hiện dự án từ thiết kế kỹ thuật, thi công và hoàn thiện đáp ứng chất lượng và tiến độ đề ra của dự án đã được phê duyệt. Tổng thầu có trách nhiệm chọn lựa các nhà thầu phụ đặt biệt đáp ứng điều kiện, năng lực thực hiện các công việc phức tạp và được chủ đầu tư thống nhất.
Nhờ có vai trò tổ chức quản trị điều hành dự án xuyên suốt từ giai đoạn thiết kế kỹ thuật cho đến triển khai thi công xây lắp và xử lý các sự cố của tổng thầu EC, các giai đoạn thiết kế và thi công có sự phối hợp nhịp nhàng, khoa học công nghệ có thể tham gia để tối ưu hiệu quả điều hành. Công tác quản lý dự án của chủ đầu tư do vậy cũng được giảm tải đáng kể. Bên cạnh đó, dự án theo hình thức hợp đồng EC có thời gian triển khai được rút ngắn bởi các công tác thiết kế và xây dựng có thể thực hiện gối đầu nhau, thời gian và thủ tục hành chính phục vụ công tác lựa chọn nhà thầu được tiết giảm.
PGS.TS Trần Chủng cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước đủ lớn mạnh để đáp ứng vai trò tổng thầu EC. Đó cũng là cách khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt có cơ hội phát triển lớn mạnh vươn tầm quốc tế. Vấn đề vướng mắc của mô hình tổng thầu EC là chưa có văn bản pháp lý hướng dẫn. Thông tư 11 mới chỉ hướng dẫn mô hình EC. Các mô hình khác đang vận dụng nên hạn chế mô hình EPC áp dụng trong thực tế.
Để EC được nhân rộng
Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định ba khâu đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển hạ tầng. Việt Nam không thể cất cánh nếu chúng ta không xây dựng và vận hành được thể chế, cơ chế giải phóng được hiệu quả lao động sáng tạo. Chỉ có thể phát triển và đạt được những mục tiêu thì phải đột phá chiến lược bằng cách áp dụng những mô hình mới.
Khoản 3, điều 1, Nghị quyết 30 của Quốc hội về phục hồi kinh tế cho phép Thủ tướng Chính phủ được chỉ định thầu. Trên thực tế, Chính phủ chưa sử dụng thẩm quyền này một cách mạnh mẽ.
Làm gì để EC được áp dụng rộng rãi trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông hiện nay? Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bày tỏ quan điểm về vấn đề này: “Tôi cho rằng, mô hình tổng thầu EC là phương án để Chính phủ và ngành giao thông mạnh dạn triển khai để tạo ra lối mở đặt trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để tổng thầu EC mang lại hiệu quả cần phải có những quỹ định rõ về tình huống tham gia đấu thầu, vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia.
Luật và các văn bản dưới luật về EC mới chỉ ở mức độ dẫn hướng mang tính chất khai mở, chưa đủ chi tiết trong thực tiễn và kiểm soát, xử lý những vấn đề phát sinh, đặc biệt là khi đưa vào triển khai các dự án lớn và phức tạp. Thời gian tới, khung pháp lý cần được cập nhật để tạo ra hành lanh pháp lý phù hợp, đủ mạnh để có thể lượng hoá các công việc cho nhà đầu tư, nhà thầu. Vấn đề nữa là phải có chế tài cụ thể, làm tốt được thưởng và không hoàn thành công việc thì phải chịu phạt. Gắn trách nhiệm của cơ quan chỉ định thầu.
Khâu lựa chọn tổng thầu cần được đánh giá khách quan để chọn được đơn vị hội tụ được năng lực toàn diện đáp ứng khả năng thiết kế, giàu kinh nghiệp trong thi công, tiềm lực tài chính đủ mạnh và giàu khát vọng cống hiến”.
Việc áp dụng mô hình tổng thầu EC với việc lựa chọn doanh nghiệp có đầy đủ năng lực và uy tín là cơ sở để các dự án hạ tầng giao thông được triển khai một cách hiệu quả.
Phụ lục Các dự án đã thực hiện theo hình thức EC:
Nguyễn Nga – Lê Cương
Theo