(Xây dựng) – Vừa qua, Công đoàn Xây dựng Việt Nam ban hành Kế hoạch số 630/KH-CĐXD về tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Cán bộ công nhân trên công trường Mỹ Đình Pearl 2 nhận quà Tết từ tổ chức công đoàn năm 2023. |
Kế hoạch đề ra yêu cầu là tổ chức hiệu quả các hoạt động chăm lo thiết thực về vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động; đảm bảo tất cả người lao động đều có Tết, đón Tết vui tươi, an toàn. Đồng thời khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong nhiệm vụ chăm lo tạo động lực, cổ vũ đoàn viên, người lao động làm việc hăng say, năng suất cao, chất lượng sản phẩm, gắn bó, đoàn kết xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững; củng cố niềm tin, gắn bó đối với tổ chức Công đoàn; thu hút người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Tăng cường sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các Bộ ngành ở Trung ương đối với hoạt động công đoàn, đặc biệt là các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán; vận động các tổ chức, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm ủng hộ và dành nguồn lực để chăm lo cho đoàn viên, người lao động vào dịp Tết.
Đối tượng chăm lo dịp Tết là đoàn viên, người lao động, trong đó ưu tiên người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, bị thiên tai, bão lũ, bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm; gia đình chính sách; người lao động nhiều năm chưa có điều kiện về quê đón Tết; ở lại đơn vị, doanh nghiệp để công tác, sản xuất, kinh doanh vào dịp Tết.
Các hình thức chăm lo tổ chức đa dạng, linh hoạt, tập trung hướng về cơ sở, quan tâm chăm lo các đối tượng làm việc tại các nhà máy, công trình xây dựng trong dịp Tết; người lao động sinh sống và làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những vùng kinh tế, xã hội khó khăn; tại các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy thoái kinh tế, bị cắt, giảm đơn hàng, thu hẹp quy mô sản xuất, tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản… dẫn đến nhiều người lao động bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm.
Các hoạt động chăm lo bảo đảm thiết thực, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong người lao động, phù hợp với điều kiện tại đơn vị, doanh nghiệp, thực hiện phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”.
Tổ chức truyền thông nhanh chóng, kịp thời, liên tục về các hoạt động chăm lo Tết của tổ chức Công đoàn trên các phương tiện truyền thông, các nền tảng mạng xã hội, nhằm tạo hiệu ứng và lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội về vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động vào dịp Tết đến, Xuân về; tạo không khí vui mừng, phấn khởi, chào đón mùa xuân trong đoàn viên, người lao động. Tổ chức Chương trình “ Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” tập trung tại cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở.
Tùy tình hình thực tế, các cấp công đoàn lựa chọn các doanh nghiệp, công trình xây dựng có đông đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn để tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ”, đảm bảo thuận lợi, thu hút nhiều đoàn viên, người lao động tham gia, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Những nơi không tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” tập trung, căn cứ điều kiện thực tế tổ chức các hoạt động phù hợp để đoàn viên, người lao động đón Tết, đảm bảo mọi người lao động được quan tâm, chăm lo của tổ chức Công đoàn.
Tổ chức hoạt động thăm, tặng quà, chúc Tết đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2024, gắn với các hoạt động tri ân, gặp gỡ đoàn viên, người lao động ngay sau Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Tổ chức, tham gia các đoàn của các đồng chí lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo Bộ Xây dựng, lãnh đạo Công đoàn Xây dựng Việt Nam thăm, tặng quà, chúc Tết đoàn viên, người lao động. Quan tâm đặc biệt tới đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động, bị thiếu, mất việc làm.
Tùy thuộc điều kiện, khả năng các cấp công đoàn tổ chức Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024” theo hình thức trực tiếp và qua sàn thương mại điện tử.
Tổ chức phương tiện đưa, đón miễn phí hoặc hỗ trợ vé tàu, xe, máy bay… cho đoàn viên, người lao động về quê đón Tết và quay lại nơi làm việc, đảm bảo an toàn, thuận lợi, chu đáo.
Tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết đầm ấm, vui tươi, mang dấu ấn công đoàn để động viên đoàn viên, người lao động không có điều kiện về quê đón Tết. Trường hợp có nhiều người lao động không về quê đón Tết thì tổ chức Chương trình “Tết không xa nhà” hoặc các hình thức phù hợp với từng đơn vị, doanh nghiệp.
Công đoàn các cấp chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động thực hiện việc trả lương, trả thưởng cho người lao động vào dịp Tết; kịp thời phát hiện và có các giải pháp đảm bảo quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ bỏ trốn hoặc tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản.
Tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về phương án, kế hoạch sản xuất, trả lương, trả thưởng Tết; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong dịp Tết. Triển khai các biện pháp phát hiện, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể phát sinh trong dịp Tết và tham gia xử lý kịp thời, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.
Tăng cường xã hội hóa nguồn lực để vận động các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ nguồn lực để tổ chức Công đoàn thực hiện các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động.
Lê Mỹ
Theo