Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết áp dụng mô hình chính quyền đô thị một cấp thể hiện được sự năng động và phù hợp với quy mô của thành phố Hải Phòng hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ. (Ảnh: Vietnam+) |
Sáng 31/10, phát biểu tại tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, các ý kiến đại biểu cho rằng cần tăng cường năng lực, bảo đảm để Hội đồng Nhân dân Thành phố thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong bối cảnh không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, phường.
Thống nhất mô hình chính quyền đô thị một cấp
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho biết hiện nay trong hệ thống pháp luật có 2 thuật ngữ là “cấp chính quyền” và “chính quyền.” Trong đó, cấp chính quyền là ở những nơi có cả Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân. Còn nơi không có Hội đồng Nhân dân mà chỉ có Ủy ban Nhân dân thì gọi là chính quyền.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng hiện nay nước ta có nhiều mô hình về cấp chính quyền, trong đó, ở nông thôn bao gồm 3 cấp là cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Cấp chính quyền ở đô thị có mô hình thứ nhất là chính quyền đô thị một cấp, tức là chỉ có ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và mô hình này đang áp dụng cho thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
Mô hình thứ hai là mô hình chính quyền đô thị hai cấp bao gồm cấp tỉnh/thành phố và cấp quận, không có Hội đồng Nhân dân cấp phường, mô hình này đang áp dụng ở thành phố Hà Nội theo Luật Thủ đô.
Nhấn mạnh thành phố Hải Phòng hiện nay đang áp dụng mô hình chính quyền ba cấp, tức là cấp tỉnh, cấp quận/huyện và cấp xã/phường, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, nếu Nghị quyết này được ban hành thì thành phố Hải Phòng sẽ áp dụng mô hình chính quyền đô thị một cấp giống như thành phố Đà Nẵng. Theo đó, mô hình này thể hiện được sự năng động và phù hợp với quy mô của thành phố Hải Phòng hiện nay.
Liên quan tới cơ cấu tổ chức Hội đồng Nhân dân, theo Tờ trình của Chính phủ, số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân chuyên trách cấp thành phố tăng nhưng giảm toàn bộ đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp quận và cấp phường. Như vậy tổng số biên chế sẽ giảm rất nhiều nhưng chức năng, nhiệm vụ giám sát của cơ quan dân cử và vai trò giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của chính quyền vẫn được bảo đảm. Về số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp quận, cấp phường, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định như áp dụng với thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, tức là theo phân loại đơn vị hành chính.
Đối với điểm e, khoản 1, Điều 2 trong dự thảo Nghị quyết quy định Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng được điều chỉnh các quy định về trình tự, thủ tục trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy định như dự thảo là chưa phù hợp về thẩm quyền.
“Trình tự, thủ tục nhiều nội dung được luật quy định nhưng cũng nhiều nội dung Chính phủ quy định, bây giờ giao cho Hội đồng Nhân dân có quyền điều chỉnh là bị vượt quyền. Vì vậy đề nghị không quy định điểm này trong dự thảo Nghị quyết,” Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn
Đại biểu Quốc hội Khuất Việt Dũng (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) nhấn mạnh Hải Phòng trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế, nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Một góc thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Hiện Hải Phòng đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao.
"Thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai, minh bạch trong quản lý và phục vụ Nhân dân tốt hơn của chính quyền các cấp của thành phố," đại biểu Khuất Việt Dũng nêu.
Địa biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ cơ bản tán thành với việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng tương tự với mô hình đang được thực hiện tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh và cho rằng mô hình này phù hợp với quy mô, phạm vi cũng như tính chất đô thị của thành phố Hải Phòng.
Thời gian gần đây, nhiều địa phương đề xuất mô hình chính quyền đô thị. Riêng đối với Hà Nội, mô hình chính quyền đô thị của Hà Nội được ghi nhận trong Luật Thủ đô.
Xuất phát từ thực tế các thành phố trực thuộc trung ương đang tổ chức chính quyền đô thị theo những mô hình không giống nhau theo quy định của các luật, nghị quyết khác nhau của Quốc hội, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Chính phủ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức chính quyền đô thị trên phạm vi cả nước./.
Theo PV/(TTXVN/Vietnam+)
Link gốc: