(Xây dựng) – Sáng 21/6/2022, tại Hà Nội, đã diễn ra Tọa đàm “Tìm kiếm phương thức hợp tác công tư hiệu quả trong các dự án xây dựng và vận hành đường cao tốc theo mô hình BOT tại Việt Nam” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy ban quan hệ đối tác công tư thuộc Ủy ban Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đồng tổ chức.
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC phát biểu khai mạc. |
Tọa đàm có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ cơ quan nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp, công ty/văn phòng luật sư lớn cũng như cơ quan truyền thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực, tăng cường khả năng thích ứng và phát triển bền vững” của USAID phối hợp với VCCI và VIAC.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch VIAC chia sẻ: “Theo các Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á, hợp tác công tư theo mô hình BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông hiện là mô hình được dùng nhiều nhất tại châu Á chiếm gần 46% trong số hợp đồng đối tác công - tư BOT trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông mang tiềm năng lớn trong việc thu hút nguồn tài chính tư trong việc xây dựng cải thiện cơ sở hạ tầng”.
Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, trong thời gian qua quá trình xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông được thực hiện trong bối cảnh thiếu khung pháp lý đầy đủ ở mức độ đạo luật, thiếu các hướng dẫn đồng bộ gây ra một số vấn đề tại một số dự án cụ thể: phương án tài chính của dự án bị ảnh hưởng, khó khăn trong thanh quyết toán công trình, các dạng vi phạm hợp đồng dự án từ phía nhà đầu tư, cơ quan nhà nước.... dẫn tới vừa chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - Nhà đầu tư trong hợp tác công – tư và lợi ích của người thụ hưởng dịch vụ công – Người dân, gây hiểu nhầm và tạo ra sự thiếu thiện cảm từ phía dư luận xã hội và người dân. “Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Sự ra đời của Luật PPP được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, thúc đẩy hợp tác công tư bền vững. Ở đây chúng ta cần nhấn mạnh rằng mô hình BOT không có lỗi, và thực tế là BOT đang được sử dụng phổ biến để thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông ở nhiều quốc gia trên thế giới”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực, tăng cường khả năng thích ứng và phát triển bền vững” của USAID phối hợp với VCCI và VIAC. |
Tọa đàm được chia thành 2 phiên xoay quanh những nội dung chính như: Mô hình BOT trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thảo luận về Phương thức hợp tác công – tư (PPP) hiệu quả trong các dự án xây dựng và vận hành đường cao tốc theo mô hình BOT tại Việt Nam.
Phiên đầu tiên được mở đầu bởi hai báo cáo dẫn đề do bà Vũ Quỳnh Lê – Đại diện Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chia sẻ về chính sách của Nhà nước đối với mô hình BOT trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo PPP; và ông Lê Bách Cương - Trưởng phòng Pháp chế - Đấu thầu, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải với một số tóm lược về Dự thảo mẫu BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Phiên thứ hai, dưới sự điều hành của TS. Vũ Tiến Lộc, các chuyên gia của Tọa đàm cũng như đại biểu tham dự đã có những tham luận, chia sẻ cung cấp thêm nhiều thông tin thực tế làm tư liệu tham khảo cho cơ quan nhà nước phụ trách tham gia ký kết HĐ BOT và phía nhà đầu tư tư nhân.
Các thông tin được trao đổi tại buổi Tọa đàm sẽ là những nguyên liệu quý báu để xây dựng Báo cáo rà soát đánh giá các hướng dẫn của mẫu BOT, hy vọng sẽ là một nguồn thông tin tham khảo tốt cho cả phía cơ quan quản lý nhà nước, phía cơ quan nhà nước phụ trách tham gia ký kết hợp đồng BOT và phía nhà đầu tư tư nhân.
Tiến Hào – Diệu Anh
Theo