(Xây dựng) - Ngày 6/2/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ra Quyết định số 155/QĐ-TTr công nhận huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2023. Đây là huyện thứ hai của cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã thực tế cơ sở nhận thấy Tiên Yên đạt được thành tích cao quý này là một chặng đường gian nan và có những kinh nghiệm quí báu để tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký thăm hỏi đời sống của nhân dân xã Đại Dực khi địa phương đạt NTM. |
Tiên Yên là một huyện miền núi ven biển, thuộc khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh, diện tích đất đai trên 647km2, dân số trên 52.000 người, dân tộc thiểu số chiếm trên 52%. Năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Tiên Yên là một trong những địa phương nghèo, đối chiếu với các chỉ tiêu -tiêu chí NTM thì điểm xuất phát dưới mức trung bình, khó khăn chồng chất khó khăn.
Ngày 15/3, huyện Tiên Yên sẽ tổ chức Lễ công bố Quyết định số 155/QĐ-TTr của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, công nhận huyện Tiên Yên đạt chuẩn NTM nâng cao. |
Năm 2010, huyện còn 4/11 xã và 18 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn; địa hình đồi núi hiểm trở chia cắt địa bàn, gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và mở rộng quy mô liên kết sản xuất vùng; trình độ và tập tục canh tác nông – lâm - ngư nghiệp phân tán lạc hậu; nguồn lực ngân sách địa phương hạn hẹp; phát triển sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, manh mún, thu nhập bình quân đầu người thấp (18 triệu đồng/người/năm). Toàn huyện đạt 2/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, chưa có xã nào đạt trên 50% tiêu chí xã NTM; tỷ lệ hộ nghèo chiếm cao 11,9%; có nhiều thôn tỷ lệ hộ nghèo chiếm từ 40-100%.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định NTM Trung ương, tại hội nghị thẩm định chương trình xây dựng NTM ở Tiên Yên nhận xét: Huyện Tiên Yên đạt chuẩn NTM nâng cao, nhiều chỉ tiêu - tiêu chí đã chạm mức NTM kiểu mẫu. |
Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên Hoàng Văn Sinh cho biết, trong hơn hai nhiệm kỳ công tác, lớp lớp cán bộ từ huyện đến xã và thôn bản phải gồng mình để cùng một lúc giải quyết rất nhiều tiêu chí, chỉ tiêu theo bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM; thực hiện mục tiêu kép đưa các xã, thôn thoát khỏi Chương trình 135; trong khi tiềm lực kinh tế của huyện còn khó khăn. “Nghèo nàn” thì đi đôi với “lạc hậu” cán bộ cơ sở và người dân còn mang nặng tư tưởng dựa dẫm ỉ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Không ít vị cán bộ ở cơ sở khi đó còn mơ màng, lúng túng chưa biết bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng NTM từ đâu…
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Chí Thành và Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Sinh hướng dẫn đoàn công tác Hội đồng thẩm định NTM Trung ương khảo sát thực tế cơ sở các thôn bản, thực hiện các chỉ tiêu - tiêu chí xây dựng NTM huyện Tiên Yên. |
“Cái khó ló cái khôn” huyện Tiên Yên đã tìm ra hướng đi bằng chính sức mạnh nội lực, khai thác tiềm năng kinh tế sẵn có, kết hợp ngân sách với nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo đòn xeo kinh tế một cách làm sáng tạo, linh hoạt, thiết thực với địa kinh tế và truyền thống văn hóa của địa phương. Tiên Yên thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, vận động phong trào doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, vật liệu xây dựng, nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, hoa màu, đóng góp công sức làm đường giao thông, xây nhà văn hóa, trường học…; Mở những tuyến đường nông thôn cứng, bê tông hóa dài rộng tới các khu dân cư, nhiều nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang.
Năm 2020, thị trấn Tiên Yên mở rộng đã đạt tiêu chí đô thị loại IV. Giai đoạn 2021-2030, huyện tái lập thị xã. Đến năm 2030, đưa huyện Tiên Yên đạt tiêu chí đô thị loại III. |
Tiêu biểu là tuyến đường bê tông liên xã (đường Đại Phong) dài 11km, rộng 3,5m, kinh phí đầu tư trên 15,5 tỷ đồng, có 2,8 tỷ đồng từ việc hiến đất giải phóng mặt bằng của dân; đường kết nối giao thông thôn Văn Mây và Khe Mạ, xã Phong Dụ và thôn Khe Quang, xã Đại Dực nối Quốc lộ 18C với các xã Đại Dực, Đại Thành và Phong Dụ... Con đường này là kết quả của sự đoàn kết, chung tay của toàn dân nòng cốt là Đoàn Thanh niên huyện, thanh niên tình nguyện Quảng Ninh; và cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp cùng nhân dân xã Đại Dực, xã Phong Dụ chung tay vun đắp mà thành.
Huyện Tiên Yên có quy hoạch chung được phê duyệt phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, trong đó có quy hoạch phân khu được công bố công khai đúng thời hạn; huyện đã Ban hành quy định quản lý quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch. |
Tiên Yên còn nhiều công trình đầu tư theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” giảm được mức đầu tư công, tiết kiệm cho ngân sách như: Công trình cải tạo, nâng cấp 3 tuyến đường thị trấn Tiên Yên có tổng dự toán ban đầu là 174 tỷ đồng. Khi hoàn thành 2 tuyến, quyết toán công trình mới chi hết dưới 25 tỷ đồng; đường Quế Sơn, xã Đông Ngũ dự toán ban đầu hơn 10 tỷ đồng, khi hoàn thành chỉ chi hết 5 tỷ đồng; tuyến đường qua phố Long Thành đang xây dựng dự toán chưa đầy 2 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa giá đầu tư xây dựng bởi có sự hiến đất giải phóng mặt bằng mở đường của dân... Như vậy, 3 tuyến đường thị trấn Tiên Yên sau khi huy động xã hội hoá đã tiết kiệm cho ngân sách hơn 140 tỷ đồng.
Tiên Yên chặng đường xây dựng NTM trên 13 năm qua, đã đầu tư xây dựng nhiều công trình động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, hiện nhiều công trình đang tỏa sáng bức tranh kinh tế như: Công trình hồ nước Khe Cát đầu tư trên 400 tỷ đồng; công trình Trung tâm văn hóa thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc trên 170 tỷ đồng; Phong trào thi đua xây dựng NTM từ các hộ gia đình, giữa các thôn, giữa các xã… đã tạo ra phong trào cách mạng nông nghiệp-nông thôn, làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn, dân giàu - nước mạnh.
Hồ Khe Cát diện tích mặt hồ trên 56ha, diện tích lưu vực sinh thủy 9,8km2. |
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đào Xuân Thắng cho biết: Huyện Tiên Yên với chủ trương phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xanh “sản xuất phát triển - diện mạo sạch đẹp - cuộc sống sung túc - thôn xóm văn minh - quản lý dân chủ”, địa phương đã tập trung triển khai toàn diện các tiêu chí về NTM nâng cao; trong đó trọng tâm là sản xuất theo quy mô hàng hóa với trên 200 dự án đã được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước trên 13 tỷ đồng, cứ 1 đồng hỗ trợ của Nhà nước đã huy động được 7,2 đồng đối ứng của người dân, tạo ra sức sản xuất mới nâng cao thu nhập cho người lao động.
Đường Đại Dực - Đại Thành, trước đây đường cũ vòng vèo qua các sườn núi từ Đại Dực đến Đại Thành dài 50km, nay xẻ núi mở đường tắt rút ngắn độ đường tới 42,5km, chỉ còn chưa đầy 7km là thông nhau. Đường cũ, đường mới rút ngắn khoảng cách gần 7 lần, con số kỷ lục về mở đường giao thông. |
Chương trình phát động mỗi xã phường một sản phẩm OCOP Quảng Ninh, Tiên Yên là huyện đi đầu trong cả nước về sản xuất hàng hóa chất lượng cao theo hướng mỗi xã phường một sản phẩm thương hiệu độc quyền, đã duy trì thường xuyên - liên tục phương thức canh nông ấy và đi vào thâm canh “2 con 1 cây” gồm: Con gà thương hiệu Tiên Yên, con tôm, cây dược liệu. Phát triển sản xuất làng nghề theo quy mô lớn, tập trung trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại.
Tuyến đường mới dài rộng, mặt đường lát bê tông vững trắc ở thôn Pạc Sủi, xã Yên Than. |
Năm 2015, huyện Tiên Yên đã có 3 xã đạt chuẩn xã NTM gồm: Đông Hải, Đông Ngũ, Tiên Lãng… tạo ra sự lan tỏa trên địa bàn huyện thi đua xây dựng phấn đấu về đích NTM và tiến tới xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; năm 2019, huyện Tiên Yên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, 100% xã hoàn thành xây dựng NTM, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã nghèo gồm: Phong Dụ, Hà Lâu, Đại Dực, Đại Thành hoàn thành Chương trình 135 và về đích chương trình xây dựng NTM trước 1 năm so với kế hoạch, toàn huyện không còn xã nghèo diện 135.
Tuyến đường hoa kiểu mẫu xã Đông Ngũ. |
Ông Lỷ Mằn Cỏng, người Dao ở thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu trước năm 2010, gia đình nguồn thu chỉ trông cậy vào cánh ruộng trong thung lũng rừng năm 1 vụ lúa còn không ăn chắc, có trồng rừng nhưng đường sá trắc trở gỗ khó bán lại rẻ mạt. Gia đình 6 miệng ăn quanh năm thiếu đói, Nhà nước phải cứu tế thường xuyên; nhà cửa thì chắp vá mái lợp tôn xi măng, mùa đông phải đốt lửa trong nhà cho ấm. Nay thôn bản đường sá thông thương, xe ôtô của thương lái vào tận cửa rừng, sản phẩm làm ra được giá, đất thì chuyển đổi cây trồng thâm canh sản phẩm OOCP thu nhập cao, gia đình có của ăn của để đã tậu được xe máy, thửa lại căn nhà kiểu nhà giả Thái tiện nghi - mộc mạc.
Thôn Sán Xế Đông, xã Đông Ngũ là một trong nhiều thôn bản ở Tiên Yên cổng thôn như công trình xây dựng mỹ thuật, lại được bàn tay người dân tài hoa tô vẽ cảnh quan - môi trường. |
Chương trình xây dựng NTM ở Tiên Yên ngày càng khẳng định chủ chương ý Đảng hợp với lòng dân, đã đổi mới bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy sản đạt 2.800 tỷ đồng tăng gấp 8,9 lần so với năm 2010, tăng gấp 1,3 lần so với thời điểm huyện được công nhận NTM; hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại xã Hải Lạng, Đồng Rui, Đông Ngũ, Đông Hải; nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ sản năng suất cao đạt trên 20 tấn/ha mang lại giá trị trên 4 tỷ đồng/ha; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1.369,7ha.
Tiên Yên là địa phương duy nhất ở Quảng Ninh nhiều xã và thị trấn tổ chức trại sáng tác văn học nghệ thuật, thu hút văn nghệ sĩ Trung ương và địa phương đến thực tế sáng tác, hiện có trên 200 ca khúc về Tiên Yên. |
Năm 2023, Tiên Yên đạt sản lượng thủy sản thương phẩm 4.460 tấn, tăng gấp 1,64 lần năm 2019 thời điểm huyện đạt chuẩn NTM và thu về 900 tỷ đồng/năm. Phát triển đàn gà thương hiệu Tiên Yên trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh. Hiện nay huyện có 7 HTX chăn nuôi gà giống Tiên Yên, 400 cơ sở nuôi quy mô trên 1.000 con với tổng đàn gà thương phẩm xuất bán đạt 1,27 triệu con/năm, tăng gấp 1,65 lần năm 2019 và chương trình phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương đạt kết quả tốt, đã có 26 sản phẩm OCOP đạt sao trở thành sản phẩm hàng hoá phục vụ nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích trên địa bàn huyện năm 2023 đạt 158 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2010.
Công trình nhà văn hóa xã Đại Dực gắn với Trung tâm văn hóa dân tộc Sán Chỉ. |
Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 76,92 triệu đồng/người/năm; riêng khu vực nông thôn đạt 74,02 triệu đồng/người, tăng 56 triệu đồng/người so thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và tăng 23 triệu đồng/người so với thời điểm huyện được công nhân đạt chuẩn NTM. Hiện nay huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương.
Phố đi bộ Tiên Yên tổ chức hấp dẫn, thiết thực thành công nhất ở Quảng Ninh. |
Tiên Yên kinh tế phát triển kéo theo các hoạt động văn hóa-văn thể; nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn huyện được chú trọng đầu tư, đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao của các tầng lớp nhân dân. Hệ thống trường học ngày càng khang trang hơn, đáp ứng đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, chuẩn hoá về đội ngũ giáo viên và được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống y tế cở sở 100% xã đạt chuẩn về Trạm y tế, trang thiết bị y cụ được đầu tư đồng bộ, nên đã thực hiện tốt vai trò là tuyến đầu chống dịch - phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Môi trường nông thôn tiến bộ, nhiều thôn xã chỉnh trang nơi công cộng, đường liên thôn cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp như công viên.
Năm 2023, huyện Tiên Yên được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; năm 2024, Tiên Yên hạ quyết tâm bước vào chặng đường mới xây dựng NTM kiểu mẫu, phấn đấu là tiêu điểm xây dựng nông thôn mới của Quảng Ninh, địa phương hội tụ đầy đủ Hệ giá trị Quảng Ninh: “Thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, nhân dân hạnh phúc”.
Vũ Phong Cầm - Ảnh: Xuân Thao
Theo