Thủ tướng cho biết tình hình kinh tế xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 sáng ngày 21/10. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước thời điểm rất quan trọng để bứt phá thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2024, năm 2025 và cả giai đoạn 2021-2025. Phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng không khó khăn nào có thể cản được quyết tâm, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc. Mỗi thách thức là cơ hội để chúng ta trưởng thành, khẳng định sức mạnh và bản lĩnh của con người Việt Nam. Hãy thắp lên ngọn lửa quyết tâm mãnh liệt, cùng nhau tiến bước để xây dựng tương lai tươi sáng cho đất nước.”
Kinh tế có nhiều điểm sáng
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng cho biết năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột leo thang ở Ukraina, Trung Đông, Biển Đỏ, căng thẳng gia tăng ở bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan. Giá xăng dầu, hàng hóa cơ bản, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế, thương mại phục hồi chậm, thiếu vững chắc. Tổng cầu, đầu tư toàn cầu sụt giảm và tỷ giá, lãi suất biến động khó lường, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng diễn biến phức tạp.
“Vì vậy ở trong nước, chúng ta vừa phản ứng linh hoạt, hiệu quả trước những biến động bên ngoài vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, nhất là ứng phó, khắc phục thiên tai gây hậu quả nặng nề và còn kéo dài tại nhiều địa phương,” Thủ tướng chia sẻ.
Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước |
Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa hướng đến năm 2030 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể, trong đó phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước.
Thủ tướng cho biết tình hình kinh tế xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.
Cụ thể, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%, ước cả năm đạt 6,8%-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6%-6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% (trong bối cảnh tăng lương với mức cao từ 01/7/2024).
Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi ước cả năm miễn, giảm, gia hạn gần 200.000 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỷ USD (tính đến 15/10/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 610,5 tỷ USD; xuất siêu 21,24 tỷ USD). An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh thời gian qua ngành điện đã hoàn thành Dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn 6 tháng thi công thần tốc và tích cực triển khai nhiều dự án, công trình điện trọng điểm; hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km. Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Thu hút FDI là điểm sáng, vốn thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất nhiều năm qua, trong khi đầu tư toàn cầu sụt giảm.
Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tích cực xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả. Hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được nâng lên. Công tác quy hoạch được đẩy mạnh với 110 quy hoạch được lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc
Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng cũng cho biết chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực. Trong thời gian ngắn, Mặt trận Tổ quốc và các ngành, các cấp đã huy động trên 6.000 tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chính phủ đã cấp trên 432 tấn gạo, hỗ trợ khẩn cấp 430 tỷ đồng cho địa phương và đang rà soát tổng thể thiệt hại để tiếp tục hỗ trợ.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động và tiếp nhận trên 2.15 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Trong những lúc khó khăn, gian nan, thử thách nhất, tinh thần đại đoàn kết, “tương thân, tương ái,” “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” càng tỏa sáng mạnh mẽ.
Ngoài ra, chất lượng khám, chữa bệnh cũng từng bước được nâng lên; kiểm soát tốt các loại dịch bệnh. Ngành y tế không ngừng nâng cao kỹ thuật chuyên môn sâu, làm chủ nhiều kỹ thuật cao, nhất là ghép tạng; chuyển đổi số và khám chữa bệnh từ xa được đẩy mạnh; y tế tư nhân tiếp tục phát triển. Lao động, việc làm chuyển biến tích cực.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm tăng; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm; thu nhập bình quân người lao động đạt khoảng 7,6 triệu đồng, tăng 7,4%. Chất lượng giáo dục các cấp được nâng lên; các đội tuyển dự thi Olympic quốc tế đoạt giải cao, khẳng định trí tuệ, năng lực của thế hệ trẻ Việt Nam; nhiều cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng quốc tế.
Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển mạnh với tinh thần dám nghĩ, dám làm, phát huy trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 44/132, tăng 4 bậc so với năm 2022.
Vẫn còn những hạn chế bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng cho biết nước ta còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn; chi phí sản xuất còn cao; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Một số chương trình, chính sách tín dụng triển khai chậm. Nợ xấu có xu hướng tăng; khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 còn cao.
Thủ tướng cũng cho biết thêm giải ngân vốn đầu tư công chậm; lãng phí trong quản lý tài sản công, đất đai… còn lớn; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn kéo dài. Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp.
Thể chế, pháp luật còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ; vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Việc phân cấp, phân quyền còn nhiều bất cập, vẫn tập trung nhiều ở Trung ương, vẫn còn tình trạng “chưa đúng vai thuộc bài”. Việc cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh chưa được xử lý kịp thời.
Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, các ngành phục vụ kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, điện toán đám mây… Công tác đào tạo chưa theo kịp yêu cầu mới về sử dụng lao động và nhu cầu phát triển.
Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Sạt lở, ngập úng, sụt lún, khô hạn, ùn tắc, tai nạn giao thông, cháy nổ, ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải... vẫn là thách thức lớn. Thiên tai, bão lũ… diễn biến khó lường. Tình hình an ninh, trật tự ở một số địa bàn, tội phạm ma túy, công nghệ cao, lừa đảo qua mạng… còn phức tạp.
Thủ tướng nhấn mạnh nguyên nhân khách quan là do bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều bất ổn, bất lợi trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế. Nguyên nhân chủ quan là do thể chế còn nhiều vướng mắc, nhất là trong phân cấp, phân quyền chưa mạnh mẽ, tập trung nhiều ở Trung ương, giữa Chính phủ, Quốc hội vẫn còn chồng chéo, trùng lắp; trách nhiệm của người đứng đầu trong nhiều trường hợp chưa được phát huy; công tác nắm bắt và dự báo tình hình có nơi, có lúc chưa sát; phản ứng chính sách của một số cơ quan, địa phương còn chậm. Thủ tục hành chính còn rườm rà, ách tắc. Một bộ phận không nhỏ cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai, làm việc cầm chừng, hiệu quả thấp.
Từ nay đến cuối năm, Thủ tướng cho biết Chính phủ phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu; giữ đà, giữ nhịp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm đạt trên 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu ngân sách Nhà nước tăng trên 10%; tỷ lệ giải ngân đầu tư công tối thiểu 95% kế hoạch.
Năm 2025 tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng
Thủ tướng nhấn mạnh năm 2025, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5%-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7%-7,5%); tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8%-1%...
Chính phủ cũng tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia được Thủ tướng nhấn mạnh ngay ở nhiệm vụ thứ nhất. Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc; phát triển mạnh thị trường vốn, thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng; kiểm soát tốt nguồn cung, giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu; tăng cường xúc tiến thương mại; mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới.
Thủ tướng kêu gọi năm 2025 tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng. (Ảnh: Vietnam+) |
Ngoài ra, hệ thống ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên 15%; tập trung cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.
Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là các dự án mang tính chiến lược về hạ tầng giao thông, năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu...; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu; phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và phấn đấu khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Chính phủ chủ trương thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển điện lực và năng lượng tái tạo, hydrogen; đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng số quốc gia, hạ tầng đổi mới sáng tạo...
Tiếp đến, Chính phủ cũng thúc đẩy cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị; triển khai hiệu quả Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; phấn đấu năm 2025 đạt 20 triệu lượt khách quốc tế.
Một trng những yếu tố quan trọng để thực hiện các mục tiêu trên là con người. Vì vậy, Chính phủ chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phấn đấu năm 2025 thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời; triển khai hiệu quả các đề án đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn và nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao; phát huy hiệu quả hệ sinh thái, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, giảm nghèo bền vững, trợ giúp các đối tượng yếu thế; phấn đấu đến hết năm 2025, xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát và hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội./.
Theo Nhóm PV/(Vietnam+)
Link gốc: