(Xây dựng) – Chiều 15/11, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. |
Kết quả cho thấy, có 486 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 97,59 %. Như vậy, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã được chính thức thông qua.
Trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, tính đến ngày 11/11/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận ý kiến bằng văn bản của 404 đại biểu Quốc hội, trong đó, 356 đại biểu đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 48 đại biểu có ý kiến góp ý cụ thể.
Đối với lĩnh vực xây dựng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát với Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội về công tác quy hoạch và một số Nghị quyết liên quan, bảo đảm không trùng lặp về nội dung.
Về đề nghị bổ sung nội dung yêu cầu Chính phủ, Bộ Xây dựng có giải pháp khắc phục tình trạng chậm bàn giao hạ tầng các dự án nhà ở, khu đô thị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy: Nội dung này phản ánh đúng tình hình thực tiễn và phù hợp với diễn biến phiên chất vấn, cần có giải pháp khắc phục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung trong dự thảo Nghị quyết.
Đối với các đề nghị bổ sung nội dung về chính sách hỗ trợ các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đầu tư hạ tầng số, huy động nguồn lực thực hiện các chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy: Các nội dung trên là những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng, cần thiết nhằm huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả các chương trình tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và bổ sung trong dự thảo Nghị quyết.
Về việc bổ sung nội dung về hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai, trọng tâm là cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia không thuộc danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai.
Thời gian tới, để tạo nền tảng phát triển Chính phủ số, Chính phủ cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu ưu tiên, trong đó đã bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết.
Liên quan đến đề nghị bổ sung việc xây dựng dự án Luật Đạo đức công vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Hiện nay, nội dung về đạo đức công vụ đã được quy định lồng ghép trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau (như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức…). Hơn nữa, theo định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV chưa giao việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật này. Để có đủ căn cứ, cơ sở bổ sung vào dự thảo Nghị quyết, cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như dự thảo Nghị quyết.
Liên quan đến các kiến nghị bổ sung yêu cầu về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy: Vấn đề tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của cơ quan thanh tra. Hơn nữa, vấn đề này đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm đề cập tại phiên chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giữ bố cục và kết cấu của dự thảo Nghị quyết. Theo đó, dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn được xây dựng theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND với một số nội dung cơ bản như đề xuất của đại biểu.
Đồng thời, tiếp tục tinh thần đổi mới trong hoạt động giám sát, căn cứ diễn biến phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết theo hướng từng bước cụ thể hóa các nhiệm vụ với những yêu cầu, tiêu chí định lượng, mốc thời gian và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, bảo đảm hiệu quả, khả thi, làm cơ sở quan trọng để tổ chức thực hiện và giám sát có hiệu quả; bảo đảm bao quát được trách nhiệm điều hành chung của Chính phủ, trách nhiệm chính của người trả lời chất vấn cũng như của từng Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia giải trình…
Quý Anh
Theo