(Xây dựng) – Doanh nghiệp xã hội Nghĩ về Sân chơi trong phố Think Playgrounds chuẩn bị xây dựng một sân chơi cộng đồng cho 26 trẻ em khiếm thị tại trung tâm Nhật Hồng, tỉnh Bắc Ninh.
Sân chơi dành cho trẻ em khiếm thị ở Tây Ninh có các hệ chơi tương tác, hệ chơi đa năng, xích đu tập thể, các đường dẫn hướng màu sắc… (Ảnh: Think Playgrounds). |
Năm 2023, Think Playgrounds đã hoàn thành việc xây dựng sân chơi đầu tiên dành cho trẻ em khiếm thị tại Tây Ninh. Đây là một món quà tinh thần quý giá dành tặng cho 58 trẻ em khiếm thị đang sinh sống và học tập tại trung tâm. Sau thành công đầu tiên, Think Playgrounds tiếp tục nhận được mong muốn hợp tác của nhiều đơn vị, trong đó có trung tâm trẻ em khiếm thị Nhật Hồng tại tỉnh Bắc Ninh. Đây là nơi nuôi dạy 26 trẻ em khiếm thị và hiện tại chưa có không gian vui chơi cho các bạn nhỏ. Think Playgrounds dự kiên cần khoảng 65 triệu đồng để xây dựng sân chơi dành cho trẻ em khiếm tại tại trung tâm Nhật Hồng. Họ và các đối tác đã huy động được 50 triệu đồng từ chương trình hòa nhạc Slavic Romance tại Hà Nội.
Trong thời gian tới, Think Playgrounds hy vọng sẽ kêu gọi đóng góp thêm 15 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa để bắt tay xây dựng sân chơi. Đây sẽ là một không gian sáng tạo, ý nghĩa, góp phần giúp trẻ em khiếm thị hòa nhập và tăng cường sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.
Mô hình sân chơi dự kiến dành cho trẻ em khiếm thị tại trung tâm Nhật Hồng ở tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: Think Playgrounds). |
Quá trình đô thị hoá đã khiến trẻ em ở thành phố thiếu thốn không gian vui chơi để có thể phát triển toàn diện. Đặc biệt, nhóm trẻ khuyết tật đang phải chịu thiệt thòi nhiều hơn khi các em gặp nhiều khó khăn để có thể đến được sân chơi, hay được trải nghiệm việc chơi một cách tự do và an toàn như các trẻ em khác.
Chính vì vậy, Think Playgrounds thấy rằng cần phải có nhiều hơn các sân chơi hòa nhập để trẻ khuyết tật có thể tham gia vui chơi như các trẻ em khác. Đối với trẻ em khuyết tật, sân chơi không chỉ là nơi vui đùa mà còn là môi trường quan trọng để các em phát triển khả năng giao tiếp, tương tác xã hội, trải nghiệm thế giới qua các giác quan còn lại. Các hoạt động vui chơi sẽ là phương pháp trị liệu hỗ trợ phục hồi và tăng cường sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho các em.
Phương Trang
Theo