(Xây dựng) - UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa trình Thủ tướng Chính phủ Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Đề án).
Phối cảnh Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ. |
Đây là cơ sở để định hướng lộ trình triển khai đầu tư xây dựng, cũng như hạ tầng kỹ thuật kết nối với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và các vấn đề liên quan đảm bảo sự phát triển đồng bộ, phát huy hiệu quả và bền vững.
Theo đề án, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến sẽ nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Cảng thuộc vùng kinh tế động lực phía Nam là vùng kinh tế năng động nhất của Việt Nam nên có nhiều thuận lợi để thu hút hàng hóa qua cảng và hàng hóa trung chuyển quốc tế.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được định hướng trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Công suất dự kiến đến 2030 đạt 4,8 triệu Teu, đến 2047 đạt 16,9 triệu Teu.
Khi cảng đi vào hoạt động (giai đoạn hoàn thiện), dự kiến đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước khoảng từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng/năm, ước tính sẽ tạo ra việc làm cho 6.000 - 8.000 lao động.
Đồng thời, hoạt động của cảng tạo động lực thúc đẩy phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng khu vực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thúc đẩy sự hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cảng còn góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam, định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực. Từ đó, thu hút các nhà vận tải, logistics lớn của thế giới, là các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ cho các hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, giảm thiểu các chi phí trung gian.
Trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, dự kiến phân kỳ đầu tư trong 2 giai đoạn. Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2 khu bến chính/7 khu bến chính); giai đoạn 2 (sau năm 2030 đến năm 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các khu bến chính còn lại.
Thiên Nam
Theo