(Xây dựng) - UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.
Một công trình vi phạm xây dựng trên địa bàn thành phố Thủ Đức. |
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu bình quân số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên một ngày trên toàn địa bàn của năm 2024 và các năm tiếp theo đạt tỷ lệ giảm trên 75% so với bình quân số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên một ngày của 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn Thành phố là 8,5 vụ/ngày (thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU).
UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện hàng năm triển khai ít nhất 2 cuộc kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch, xây dựng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 23. 100% đơn vị ban hành kế hoạch tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn trong năm 2025 và các năm tiếp theo; đồng thời, thành lập Tổ công tác do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phụ trách khối đô thị làm Tổ trưởng nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn. 100% đơn vị ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm hành chính còn tồn đọng trên địa bàn (các công trình xây dựng thuộc trường hợp phải phá dỡ công trình, phần công trình vi phạm trật tự xây dựng) trước ngày 15/12/2024 và tổ chức thực hiện theo đúng lộ trình, tiến độ đề ra tại kế hoạch.
Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng, nhà ở và quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị số 23 và các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch này.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về đất đai, quy hoạch, xây dựng; thông qua việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính để tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng trong các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố.
Người đứng đầu phụ trách trực tiếp công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng chịu trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra các sai phạm trong hoạt động quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn và theo thẩm quyền quản lý.
Các Sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện tốt công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo đúng chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của từng cơ quan, đơn vị; nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, xác định cụ thể lộ trình, tiến độ và tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định xử lý vi phạm hành chính về xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn. Tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật.
Quang Hải
Theo