(Xây dựng) - Sau 8 năm xây dựng, ga ngầm Bến Thành thuộc tuyến metro số 1 (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) đã hoàn thiện. Tương lai ga ngầm này sẽ là nơi kết nối của cả tuyến metro 2, 3A và số 4.
Ga ngầm Bến Thành được thiết kế 4 tầng ngầm với chiều sâu khoảng 30m, rộng 45m và dài 235m. Mặt sàn được thiết kế thêm các lối đi nổi cho người khiếm thị. |
Tầng 1 nhà ga rộng khoảng 45.000m2, thiết kế gần 200 trụ cột bê tông ốp nhôm, có chức năng làm sảnh chờ, bán vé. Đồng thời, có thêm trung tâm thương mại rộng 18.100m2, hành lang và quảng trường ngầm rộng 21.500m2. |
Không gian sân ga ở tầng 1 và 2 được thiết kế thoáng rộng, liên kết với nhau. Theo thiết kế, tầng 1 và 2 được sử dụng cho tuyến số 1. Tầng 3 và 4 sẽ sử dụng cho các tuyến còn lại. |
Theo thiết kế, ga ngầm Bến Thành có 6 lối tiếp cận (từ F1 đến F6). Cụ thể, lối F1 và F2 phục vụ khách đi từ Công viên 23/9 - Công trường Quách Thị Trang, lối F3 nằm trên đường Phan Chu Trinh, lối F4 và F5 nối trực tiếp vào tầng hầm B1 của khu tứ giác Bến Thành, lối F6 tại giao lộ Lê Lai - Huỳnh Thúc Kháng. |
Nhà ga được chia thành 3 khu vực chính: Khu vực công cộng, khu vực kỹ thuật và khu vực nhân viên nhà ga, phụ trợ. |
Dấu ấn biểu tượng bên trong ga ngầm Bến Thành là giếng trời lấy sáng (toplight) cao 6m, đường kính 21,6m, thiết kế hình hoa sen. Hạng mục này có chức năng cung cấp ánh sáng tự nhiên và thông gió cho phía dưới nhà ga. |
Hiện 8 máy bán vé tự động đã được nhà thầu hoàn thành lắp đặt. Sau khi đi vào hoạt động, hành khách có thể trực tiếp mua vé qua nhân viên hoặc mua vé tại máy bán vé tự động. |
Ga trung tâm Bến Thành khi hoàn thiện được xem là công trình biểu tượng mới tại khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Công trình được xây dựng để kết nối với trung tâm thương mại ngầm cũng như các tòa nhà, tiện tích xung quanh tạo thành một hệ thống tiện ích phức hợp hoàn chỉnh dưới lòng đất (ảnh: MAUR). |
Nhà ga trung tâm Bến Thành được khởi công xây dựng từ tháng 11/2016 nằm trong tuyến metro số 1 dài 19,7km có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (thành phố Thủ Đức) với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. |
Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2024, đơn vị này sẽ triển khai các công việc còn lại đối với dự án metro số 1. Theo đó, trong tháng 4/2024 sẽ bàn giao trước 2 đoàn tàu và thiết bị cho Tư vấn chung NJPT đào tạo sớm nhân sự vận hành tuyến cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (vận hành chính thức đoàn tàu và thiết bị của dự án). Đến tháng 5 cho vận hành thử nghiệm và tới tháng 6 sẽ hoàn thành thi công các cầu bộ hành. Sau đó vào tháng 7 sẽ hoàn tất đào tạo cho nhóm nhân sự lái tàu, vận hành, quản lý nhà ga, điều độ, bảo dưỡng chủ chốt. Cùng đó, gian đoạn này sẽ cho vận hành thử (không có sự tham gia của hành khách) và rà soát kết quả đánh giá an toàn hệ thống. Đến cuối tháng 7 sẽ tiến hành vận hành có hành khách trong giai đoạn thử nghiệm. Thời gian miễn phí vé 3 tháng cũng bắt đầu tính từ giai đoạn này. Giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 10 đơn vị tiếp tục hoàn thành công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, cấp chứng chỉ và thẩm định an toàn hệ thống của dự án. Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng cũng kiểm tra nghiệm thu các hạng mục công việc. Đến quý IV/2024, metro số 1 sẽ vận hành thương mại toàn tuyến. Đối với kế hoạch giải ngân, trong năm 2024, dự án metro số 1 được phân bổ kế hoạch đầu tư công với số vốn 4.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA cấp phát 350 tỷ đồng, vốn ODA vay lại 3.200 tỷ đồng và vốn đối ứng 450 tỷ đồng. |
Viết Dũng – Bình An
Theo