(Xây dựng) - Ngày 15/4, tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), UBND Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với UBND các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, gồm: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo các địa phương ký kết Bản thỏa thuận Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ giai đoạn 2023 - 2025. |
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, đây là sự kiện đặc biệt quan trọng để các địa phương cùng nhau đánh giá toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ trong thời gian qua; từ đó đề ra định hướng, giải pháp hợp tác, liên kết trọng tâm và hiệu quả cho giai đoạn 2023 – 2025.
Trên tinh thần phát huy những kết quả đạt, tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của các bên góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ giai đoạn 2023 - 2025.
Mục tiêu của hợp tác nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng Duyên hải Nam Trung bộ và cả nước.
Đồng thời, tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên. Ngoài ra, các địa phương sẽ trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý Nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.
Trong đó, chú trọng các lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; hợp tác phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực nhất du lịch; tập trung phát triển các ngành kinh tế biển trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Những năm qua, sự đóng góp của các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ vào kinh tế cả nước luôn đạt tỷ lệ cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của vùng giai đoạn 2013 - 2021 ước đạt 2.350.520 tỷ đồng, tăng bình quân 8,91%/năm. Chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp ước tăng bình quân 10,57%/năm. Nông nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 3,35%/năm.
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp của các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ chuyển biến tích cực hướng vào phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, miền, nhu cầu thị trường và bảo đảm an ninh lương thực. Tổng kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh trong vùng tăng từ 2,71 tỷ USD (năm 2013) lên 5,29 tỷ USD (năm 2021), tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013 - 2021 đạt 7,72%/năm.
Trong đó, với vai trò là động lực, đầu tàu trong nhiều lĩnh vực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, nơi tập trung các nhà sản xuất, nhà phân phối hàng hóa có quy mô và tầm ảnh hưởng rất lớn, việc thực hiện các chương trình hợp tác, phát triển kinh tế xã hội với Thành phố Hồ Chí Minh đã tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy tiêu thụ và kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh dòng luân chuyển hàng hóa, nâng tầm giá trị sản phẩm đặc trưng của các địa phương, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại các địa phương. Đồng thời, một số tập đoàn lớn đã nghiên cứu, mở các chi nhánh trên địa bàn các tỉnh, tạo động lực phát triển hạ tầng thương mại của địa phương theo hướng hiện đại.
Tại hội nghị, lãnh đạo 6 tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ với lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023 - 2025 với 2 phần trọng tâm. Trong đó, sẽ hợp tác chung ở 5 lĩnh vực gồm: Phát triển du lịch; Kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; Phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; Phát triển nông nghiệp; Hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu). Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng ký kết hợp tác song phương theo đặc thù với từng địa phương.
Hoàng Sơn
Theo