(Xây dựng) - Nhiều tuyến giao thông trọng điểm, với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng được tỉnh Thanh Hóa tiến hành khảo sát, khởi công những ngày đầu năm 2024.
Trụ sở mới UBND thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. |
UBND thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) vừa tổ chức lễ khởi công dự án đại lộ Nam Sông Mã giai đoạn 2, đoạn từ đường ven biển đến điểm nối con đường ký ức. Dự kiến, công trình hoàn thành trong năm 2025. Dự án là công trình giao thông cấp II, với tổng mức đầu tư hơn 330 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố Sầm Sơn và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Theo thiết kế, tuyến đường có chiều dài 1,9km, vận tốc thiết kế hơn 50km/h, mặt đường rộng 28m, có dải phân cách, vỉa hè, đường gom, 2 nút giao, 1 cầu bắc qua sông Đơ và hệ thống đèn điện chiếu sáng, cây xanh…
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng ông Lê Văn Tú - Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn cho biết: “Dự án góp phần xây dựng thành phố Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch biển thông minh, hấp dẫn, thân thiện, là trọng điểm du lịch quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế. Việc đầu tư dự án Đại lộ Nam sông Mã giai đoạn 2 từng bước hoàn thành chiều dài và quy mô mặt cắt ngang tuyến Đại lộ Nam Sông Mã theo quy hoạch, hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông hợp lý, đáp ứng lưu lượng giao thông, đảm bảo kết nối liên vùng thông qua tuyến đường bộ ven biển và các trục giao thông trong khu vực.
Theo tiến độ, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2025. Vì vậy, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu UBND thành Sầm Sơn tập trung nguồn lực, bố trí kế hoạch vốn đáp ứng yêu cầu cho dự án. Đồng thời tập trung chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ theo quy định đầu tư xây dựng; tổ chức thi công đảm bảo chất lượng, mỹ thuật, tiến độ, an toàn vệ sinh môi trường, an toàn lao động”.
Tiếp đến, giai đoạn 2 của dự án mở rộng đại lộ Nam Sông Mã có tổng số tiền đầu tư khoảng 930 tỷ đồng. Trong đó, tuyến đường đi qua địa phận thành phố Thanh Hóa là 600 tỷ đồng và thành phố Sầm Sơn là 330 tỷ đồng. Trong quý II/2024, UBND thành phố Thanh Hóa cũng sẽ khởi công đoạn qua địa phương này.
UBND tỉnh Thanh Hoá giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hoá thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đại lộ Lê Lợi với chiều dài 1,5km. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách tỉnh bố trí 450 tỷ đồng; vốn ngân sách thành phố Thanh Hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác là 558 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến năm 2025. Theo hồ sơ thiết kế, dự án có điểm đầu tại Km 0+00 giao với Quốc lộ 47 tại Km 20+050 (ngã tư Phú Sơn) thuộc địa bàn phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa. Điểm cuối tại Km 1+500 nối tiếp phạm vi nút giao thuộc dự án đường từ Trung tâm thành phố Thanh Hóa nối với đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn thuộc phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa.
Việc đầu tư dự án nhằm mục tiêu từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các tuyến giao thông quan trọng của tỉnh Thanh Hoá. Đặc biệt do lưu lượng phương tiện trong khu vực thành phố lớn nên đại lộ Lê Lợi đang rơi vào tình trạng quá tải.
Ngoài 2 dự án trên, cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Đông – Tây cũng dự kiến trong tháng 4/2024 sẽ được khởi công. Tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng và thực hiện trong 4 năm.
Dự án gồm 16 gói thầu, trong đó gói thầu số 16 thi công xây dựng công trình và bảo hiểm công trình có quy mô lớn nhất (hơn 518 tỷ đồng), dự kiến tổ chức đấu thầu rộng rãi trong quý II/2024, hợp đồng thực hiện theo đơn giá điều chỉnh. Mục tiêu của dự án nhằm bảo đảm an toàn giao thông qua tuyến đường sắt Bắc - Nam và đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ tuyến Đại lộ Đông - Tây theo quy hoạch để tăng cường kết nối giao thông trong khu vực; kết nối với tuyến đường trục chính đô thị, thị trấn Rừng Thông để tạo thành trục đường liên thông từ Quốc lộ 45 đến Quốc lộ 1.
Theo thiết kế, dự án cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Đông - Tây được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông. Tổng bề rộng cầu 25m, bao gồm 4 làn xe giới, 2 làn xe hỗn hợp. Hoàn thiện tổng thể nút giao giữa đường Trịnh Kiểm và tuyến Đại lộ Đông - Tây và các tuyến giao thông lân cận.
Tại cuộc Gặp mặt văn nghệ sĩ, nhà khoa học, trí thức, nhà báo nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết, năm 2024 Thanh Hóa quyết tâm tăng tốc và về đích các nhiệm vụ đặt ra chứ không chờ tới năm 2025. Một trong những mục tiêu đó là hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng các tuyến giao thông trọng điểm.
Các đơn vị cũng đang khảo sát, thiết kế tuyến đường vành đai 3 tránh thành phố Thanh Hóa nối Quốc lộ 1A từ xã Quảng Ninh (Quảng Xương) qua phường Quảng Phú (thành phố Thanh Hóa) vượt sông Mã tới Hoằng Hóa. Cầu Đò Đại sẽ được thiết kế mỹ thuật kèm theo điểm chech in. Các địa phương cũng cân đối nguồn thu để xây dựng các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng. Thanh Hóa sẽ tập trung triển khai nhiều khu công nghiệp, khu chức năng, tạo mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư.
Tiến Anh
Theo