(Xây dựng) – Nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, nâng cao thu nhập, đời sống, từ năm 2019 đến nay, các cấp, ngành, địa phương tỉnh Thanh Hóa đã triển khai có hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển lâm nghiệp với nguồn kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Cán bộ kiểm lâm trao đổi với người dân về kỹ thuật chăm sóc, phục tráng rừng luồng nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng cây luồng. |
Trong đó, đối với chính sách dành cho chương trình trồng trọt: Khuyến khích chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh đã hỗ trợ 15,2 tỷ đồng dành cho việc tổ chức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị các sản phẩm rau, mầu, cây thức ăn chăn nuôi trên diện tích 514ha. Đồng thời, xây mới 13,28km kênh mương, 14km đường nội đồng; xây dựng mạng lưới tưới mặt ruộng cho 260ha mía, mua 3 máy thu hoạch mía. Về chính sách dành cho vùng cây ăn quả tập trung, tỉnh đã hỗ trợ 60,2 tỷ đồng xây dựng hạ tầng điện, giao thông, kênh tưới tiêu cho 6 vùng chuyên canh cây ăn quả; hỗ trợ giống cây ăn quả trên diện tích 78,6ha.
Không chỉ vậy, tỉnh đã hỗ trợ 6,5 tỷ đồng dành cho việc mua cây giống, phát triển cây gai xanh nguyên liệu để trồng trên diện tích 755,82ha, mua 232 máy tuốt vỏ gai, chuyển đổi 8ha đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng gai xanh. Hỗ trợ sản xuất vụ đông gần 2 tỷ đồng để mua giống cây trồng, thuê đất thời vụ, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm vụ đông trên tổng diện tích 2.319ha. Bên cạnh đó, để khuyến khích chương trình tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, theo hướng công nghệ cao, tỉnh hỗ trợ 625 triệu đồng để tổ chức ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trên diện tích 80ha cây mía, rau mầu và quế dược liệu.
Trong lĩnh vực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp chăn nuôi, Thanh Hóa đã hỗ trợ 28 tỷ đồng xây dựng hạ tầng 8 khu trang trại chăn nuôi tập trung. Về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đã hỗ trợ 13,77 tỷ đồng để tiêm 3,4 triệu liều vắc xin cho gia súc, gia cầm.
Trong chính sách lâm nghiệp, nhằm tăng độ che phủ rừng, tỉnh hỗ trợ 270,447 tỷ đồng cho việc giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, bao gồm 1,38 triệu ha. Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ 78,703 tỷ đồng cho công tác trồng mới, trồng bổ sung 6.833ha rừng. Ngoài ra, về lương thực, chính quyền trợ cấp 33.244 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 68.854 lượt hộ, gồm trên 1,4 triệu lượt khẩu trên địa bàn 5 huyện miền núi là Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Như Xuân. Riêng huyện Mường Lát được hỗ trợ thêm gần 4.000 tấn gạo (kinh phí trên 56 tỷ đồng) từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Cũng liên quan đến lâm nghiệp, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh, tập trung, hỗ trợ phục tráng rừng luồng với kinh phí 63 tỷ đồng. Hỗ trợ gần 28 tỷ đồng làm mới, nâng cấp 71,7km đường lâm nghiệp. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ trồng bằng cây giống nuôi cấy mô 194ha rừng sản xuất, kinh phí 365 triệu đồng; hỗ trợ 1,104 tỷ đồng cho công tác cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho 3.860ha.
Đào Nguyên
Theo