(Xây dựng) – Khi đang hoàn thiện nhiều công trình thì lượng đất đá từ đồi phía trên sạt lở vùi lấp một phần công sở xã Trung Thành, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) đe dọa tới sự an toàn của hàng trăm học sinh ở bán trú tại trường THCS xã Trung Thành.
Đơn vị thi công được khoảng 70% khối lượng công việc thì xảy ra sạt lở. |
Được biết, năm 2018-2019, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa chấp thuận đầu tư cụm công trình công sở xã Trung Thành, trung tâm văn hóa, khu bán trú trường THCS, dãy phòng học, bưu điện và đường điện 0,4KVA được xây dựng tập trung tổng kinh phí xây dựng gần 31 tỷ đồng. Ngày 31/12/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án công trình trường THCS xã Trung Thành. Quy mô nhà lớp học 2 tầng 8 phòng, nhà hiệu bộ 1 tầng, 6 phòng, nhà công vụ 1 tầng 5 phòng, nhà học bộ môn 1 tầng 5 phòng, san lấp mặt bằng và các công trình phụ trợ. Tổng mức đầu tư khoảng 14 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2019-2021.
Khi các đơn vị thi công đang thực hiện xây dựng dự án thì năm 2019, trên địa bàn xảy ra mưa lũ lớn gây sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng tới cụm công trình đe dọa tới tính mạng và tài sản của nhân dân trong vùng. Trong đó, công sở xã đang trong quá trình xây dựng bị đất đá vùi lấp chưa thể hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Các hạng mục công trình khác cũng bị đe dọa.
Vào 31/7/2020 UBND huyện Quan Hóa đã phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình xử lý khẩn cấp công trình công sở và khu bán trú học sinh trường THCS xã Trung Thành với tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ đồng. Mục tiêu là đảm bảo an toàn cho cụm công trình đang xây dựng. Đơn vị thi công sẽ đào san nền, tạo mái taluy phía sau các khu bán trú học sinh, khu công sở và khu nhà hội trường thuộc trung tâm văn hóa thể thao xã. Sau đó xây dựng tường chắn bê tông để giữ chân taluy, tạo ổn định lâu dài cho toàn bộ mái taluy dương. Bê tông rãnh bậc thềm, đào và xây dựng bậc nước cùng các công trình phụ trợ.
Chủ đầu tư và đơn vị thi công phối hợp cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, khu vực sạt lở. |
Chiều 25/02, trao đổi với ông Phạm Bá Thoại – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quan Hóa cho biết: Đơn vị thi công đã được khoảng 70% khối lượng công việc thì xảy ra sạt lở. Trước tình hình sạt lở đất nghiêm trọng đó, Chủ tịch UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo khẩn cấp, đề nghị chính quyền địa phương theo dõi thường xuyên nguy cơ sạt lở, có phương án kịp thời di chuyển người, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, cảnh báo, thông báo cho nhân dân biết, không lại gần khu vực sạt lở. Khẩn trương làm việc với các hộ gia đình di dời mồ mả bị ảnh hưởng ra khỏi khu vực sạt.
UBND xã tổ chức khảo sát, cùng với người dân lựa chọn vị trí mới. Chi phí giải phóng mặt bằng, di dời sẽ được huyện hỗ trợ, một phần do chính quyền địa phương và gia đình. Đề nghị trường THCS Trung Thành không cho giáo viên, học sinh đến gần khu vực có nguy cơ sạt lở, có phương án di dời không ở lại qua đêm tại khu bán trú, khu vực nguy hiểm.
“Trung Thành là xã miền núi cao, khảo sát toàn xã không có vị trí nào phù hợp hơn để xây dựng các công trình như hiện nay. Nguy cơ sạt lở đất đe dọa tới các công trình là có thật, việc xử lý triệt để cần có nguồn kinh phí lớn, vượt quá khả năng của địa phương”, ông Thoại cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên thì một lượng đất đá rất lớn đã sạt xuống phía dưới, tràn cả vào khu vực công sở UBND xã Trung Thành đang trong quá trình hoàn thiện. Trung tâm văn hóa xã, khu bán trú trường THCS, dãy phòng học và cả bưu điện văn hóa xã đang bị đe dọa bởi đất đá có thể vùi lấp bất kỳ lúc nào. Nguy hiểm hơn là mái taluy dương trên quả đồi phía sau cụm công trình này nhiều chỗ nứt toác, kéo dài. Chỉ cần một tác động nhỏ hoặc mưa xuống là hàng nghìn khối đất đá sẽ sạt xuống.
Khi đơn vị thi công đang xử lý đào, vận chuyển hàng trăm khối đất, đá sạt lở thì phía trên đồi lại tiếp tục có dấu hiệu sạt, trợt. Mức độ sạt lần này có khả năng nghiêm trọng hơn vì vết nứt chạy dài cả nửa quả đồi. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Hưng Phúc An (có địa chỉ tại thành phố Thanh Hóa) đã có văn bản báo cáo chủ đầu tư để có hướng giải quyết và phối hợp với chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo.
Đến nay, các cơ quan chức năng, chủ đầu tư vẫn chưa đánh giá toàn diện, có cơ sở về việc sạt lở tại cụm công trình xã Trung Thành. Chính vì vậy mà chưa có phương án xử lý cụ thể ngoài việc cắm biển cánh báo, đóng cửa các công trình. Vậy là hàng chục tỷ đồng đầu tư từ Ngân sách Nhà nước đang “chết lâm sàng”, cán bộ xã Trung Thành vẫn phải làm việc tại công sở lụp sụp, hàng trăm học sinh dân tộc đi học phải ở nhờ.
Các cơ quan, ban ngành sớm vào cuộc, xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp hiệu quả xử lý sạt lở đất tại cụm công trình xã Trung Thành, tránh tình trạng lãng phí vốn đầu tư, giảm thiểu nguy cơ mất an đe dọa tới toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Tiến Anh
Theo