(Xây dựng) - Tối 27/10, tại thành phố biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (10/1954 - 10/2024) và khánh thành khu lưu niệm sự kiện này.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh khẳng định: Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sỹ miền Nam tập kết là sự kiện lịch sử quan trọng, là dịp để ôn lại một thời khắc lịch sử hào hùng không thể nào quên của đất nước. Đồng thời nhắc nhở chúng ta và các thế hệ con, cháu về tinh thần đoàn kết, tình nghĩa Bắc Nam thủy chung, son sắt, không một thế lực nào có thể chia cắt.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh phát biểu khai mạc. |
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, với quan điểm sáng suốt và tầm nhìn chiến lược, Đảng và Bác Hồ đã quyết định đưa hàng vạn cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam ra Bắc để chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ và xây dựng đất nước sau này. Vào thời điểm lịch sử ấy, tỉnh Thanh Hóa vinh dự được thay mặt nhân dân miền Bắc xã hội chủ nghĩa đón tiếp những người con ưu tú của miền Nam ruột thịt tập kết ra Bắc.
Chỉ trong 9 tháng, từ tháng 9/1954 đến tháng 5/1955, tỉnh Thanh Hóa đã đón tiếp, bố trí nơi ăn nghỉ cho 47.346 cán bộ, chiến sỹ, 1.869 thương bệnh binh và 1.443 gia đình cán bộ, bộ đội miền nam tập kết. Trong những ngày đầu tiên đặt chân ra đất Bắc, các cán bộ, chiến sỹ, học sinh con em miền Nam đã được sống trong vòng tay ấm áp, thân thương của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Một số hình ảnh của chương trình nghệ thuật “Quê Thanh – Nghĩa Bắc – Tình Nam”. |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: 70 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện đón tiếp đồng bào, chiến sỹ miền Nam tập kết luôn là dấu son không phai mờ trong trái tim của nhiều thế hệ đồng bào, chiến sỹ cả nước, là biểu tượng sáng ngời về tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, ý chí sắt son Nam – Bắc một nhà của dân tộc, khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Lễ kỷ niệm sự kiện trọng đại này là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cùng ôn lại chặng đường gian khổ, vẻ vang của dân tộc, tiếp tục phát huy tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước để hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nỗ lực đoàn kết tổ chức thực hiện thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, là dấu mốc đặc biệt mở ra một kỷ nguyên mới, vươn mình lên tầm cao mới của dân tộc ta.
Sau phần phát biểu của các vị lãnh đạo, hàng nghìn đại biểu và người dân đã đắm mình trong chương trình nghệ thuật đặc biệt mang chủ đề “Quê Thanh – Nghĩa Bắc – Tình Nam”.
Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương. Chương 1: Tái hiện ký ức không thể phai mờ, vượt khó khăn, gian khổ ươm mầm những hạt giống đỏ cho cách mạng. Chương 2: “Huyền thoại thời hoa lửa” nói về tâm trạng những người con miền Nam những ngày đầu xa xứ “Thân trên đất Bắc – hồn gửi trời Nam”. Càng nhớ thương quê hương, càng ra sức học tập, công tác, đóng góp hết sức mình cho cuộc đấu tranh thống nhất và xây dựng đất nước. Chương 3: “Nhịp sống trào dâng sắc mới”, nêu bật những cảm xúc dâng trào của những người con miền Nam khi đặt chân xuống cảng Hới - địa điểm đón tiếp đầu tiên những người con miền Nam trên đất Bắc. Cùng với những đổi thay mạnh mẽ của thành phố biển Sầm Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung sau những năm hội nhập và đổi mới.
Kéo dài khoảng 90 phút, chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, hoành tráng với sự tham gia của hàng trăm ca sỹ, diễn viên chuyên và không chuyên. Qua những câu chuyện, hình ảnh xúc động, thắm đượm tình dân tộc, nghĩa đồng bào, chương trình đã đưa khán giả ngược dòng thời gian, trở về thời khắc lịch sử hào hùng, không thể nào quên của dân tộc. Bất chấp trời tiết mưa, rét, hàng nghìn khán giả đã cùng chăm chú, say sưa thưởng thức chương trình nghệ thuật đến phút cuối cùng.
Cũng trong chương trình Lễ kỷ niệm, các đại biểu và nhân dân đã cùng dự Lễ khánh thành và tham quan Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc. Một dự án lớn có tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 40.000m2, trong đó, nổi bật là tượng đài mang hình ảnh “con tàu tập kết” cùng hàng nghìn hình ảnh, hiện vật về sự kiện quan trọng này.
Đào Nguyên
Theo