(Xây dựng) - Thời gian qua, Sở Xây dựng Thanh Hóa đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan, thực hiện có hiệu quả công tác tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, góp phần giúp các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở được “an cư, lạc nghiệp” để tạo đà vươn lên thoát nghèo bền vững.
Một trong các căn hộ được hỗ trợ xây mới tại thôn Nê Cắm, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh đang chuẩn bị hoàn thiện. (Nguồn: Báo Công lý) |
Để nhanh chóng đưa nguồn vốn hỗ trợ đến với đồng bào nghèo, ngay sau khi đề án được ban hành, Sở Xây dựng đã ra văn bản hướng dẫn và tổ chức làm việc trực tiếp với lãnh đạo, cán bộ chuyên môn phụ trách thực hiện đề án để phối hợp, trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, ban Giám đốc Sở đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng tiến hành thiết kế 5 mẫu nhà ở điển hình, phù hợp với đặc thù miền núi, dân tộc, kèm theo dự toán kinh phí, dự trù nguồn vật liệu (theo quy định của Bộ Xây dựng). Sau khi hoàn thiện, 5 mẫu thiết kế trên đã được chuyển về các địa phương, giới thiệu rộng rãi đến các hộ để mọi người tham khảo, lựa chọn cho mình mẫu phù hợp nhất. Cùng với đó, để nguồn vốn hỗ trợ phát huy hiệu quả tốt nhất, thiết thực nhất, cán bộ chuyên môn Sở Xây dựng cũng thường xuyên xuống địa bàn, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai đề án.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của Sở Xây dựng và các cấp, ngành, địa phương liên quan, sau một thời gian triển khai, Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo đã thu được những kết quả tích cực. Theo Báo cáo số 294/BC-UBND, ngày 21/12/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa gửi Bộ Xây dựng, thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 -2025 và Thông tư số 01/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng, hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện thuộc chương trình mục tiêu quốc gia (giai đoạn 2021-2025), qua thống kê, rà soát, tổng số hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, tỉnh Thanh Hóa gồm 6.045 hộ. Tổng số hộ cận nghèo diện đối tượng hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa 2.472 hộ.
Trong đó, số đề xuất xây mới 4.637 hộ, số đề xuất sửa chữa 3.880 hộ. Tổng số vốn cần cho thực hiện đề án 263.080.000.000 đồng. Trong năm 2023, tỉnh đã được Trung ương phân bổ phân bổ vốn hỗ trợ sự nghiệp Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 182.140.000.000 đồng. Số vốn trên đã được phân bổ 100% cho 6 huyện gồm: Mường lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân.
Về kết quả thực hiện, tính đến cuối năm 2023, số nhà xây mới (lũy kế đến thời điểm báo cáo) đã hỗ trợ xây mới được 2.057 căn, bằng 44,36% so với số nhà đã được phê duyệt tại đề án của tỉnh (chủ yếu là hộ nghèo dân tộc thiểu số); số hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở 2.054 căn, bằng 52,6% so với số đã được phê duyệt theo đề án của tỉnh (chủ yếu là hộ nghèo dân tộc thiểu số). Theo đó, tổng số vốn ngân sách Trung ương đã được giải ngân cho chương trình là 103.460.000.000 đồng. Để đảm bảo điều kiện sinh hoạt, đảm bảo nhà ở bền vững, chịu được gió bão lớn, toàn bộ các căn nhà được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa đều đảm bảo “3 cứng” và có diện tích tối thiểu từ 30m2 trở lên.
Một trong số các căn nhà mới khang trang, kiên cố thay thế ngôi nhà cũ xuống cấp từ nguồn kinh phí của đề án hỗ trợ nhà ở được triển khai tại huyện Quan Sơn. (Nguồn: Báo Công lý) |
Là một trong các huyện nghèo thuộc diện được hưởng lợi theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngay từ ngày đầu triển khai, UBND huyện Thường Xuân đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn trên địa bàn tập trung làm tốt công tác thống kê, rà soát, bình xét lập danh sách các hộ khó khăn cần hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở. Nhờ đảm bảo công khai, minh bạch, chương trình hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo tại đây đã được đầu tư đúng đối tượng, mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trao đổi với PV, ông Cầm Bá Đứng cho biết, để chương trình mang tính nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước phát huy tác dụng, quả cao nhất, ngoài làm tốt công tác rà soát, lập danh sách các hộ được thụ hưởng, để nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích là xây dựng, sửa chữa nhà , UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện việc giải ngân, cho trả kinh phí cho các hộ được hỗ trợ xây mới nhà chia làm 3 đợt, tương ứng với 3 giai đoạn thi công là: Xây móng, thi công cơ bản và hoàn thiện nhà. Nhờ đó, 100% kinh phí của chương trình đều được sử dụng đúng mục đích, đối tượng.
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ nhà ở từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều hộ gia đình khó khăn tại huyện Thường Xuân nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung còn nhận được sự hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. |
Cũng theo ông Đứng, về kết quả thực hiện chương trình, đến ngày 5/4/2024, tổng số kinh phí đã giải ngân là 13, 318 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 78,89%. Trong đó, số hộ nghèo đã được giải ngân 272 hộ, số cận nghèo 166 hộ. Số làm nhà mới 259 hộ, số sửa chữa nâng cấp 186 hộ. Ngoài ra, huyện đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai mọi giải pháp, nỗ lực thực hiện mục tiêu theo kế hoạch đề ra: Trong quý II năm nay, có 90 hộ được hỗ trợ xây mới nhà và 31 hộ sửa chữa, cải tạo nhà. Cùng với đó, huyện đặt mục tiêu đến 31/12/2024, giải ngân toàn bộ 100% vốn chương trình hỗ trợ nhà ở năm 2024 và số còn tồn đọng năm 2023. Ngoài ra, song song với thực hiện đề án hỗ trợ này, huyện cũng đang tích cực, chủ động triển khai thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo khác như: Chương trình xây dựng nhà Đại đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc, chương trình vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ xây dựng nhà cho đồng bào vùng khó khăn của tỉnh…
Thực tế trên cho thấy, đến nay, dù mới qua khoảng nửa chặng đường, nhưng Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo khu vực 6 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp cho nhiều hộ khó khăn về nhà ở được ổn định cuộc sống để “an cư, lạc nghiệp”, yên tâm lao động sản xuất, tăng thu nhập tiến tới giảm nghèo bền vững. Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau” như chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đề án đã bộc lộ một số bất cập, tồn tại và cả khó khăn cần xem xét, tháo gỡ. Trong đó, khó khăn đầu tiên là định mức hỗ trợ xây mới (40 triệu đồng/hộ) và sửa chữa còn thấp, trong khi nhiều hộ nghèo không có điều kiện huy động thêm kinh phí để xây dựng, sửa chữa. Do đó, có không ít hộ đã buộc phải xin rút khỏi danh sách hỗ trợ mặc dù thật sự có nhu cầu. Ngoài ra, còn có các khó khăn khách quan như tâm lý, tín ngưỡng về lựa chọn phong thủy, chọn tuổi làm nhà, có hộ đã ly hôn hoặc lập gia đình mới... Bên cạnh đó, trong quá trình rà soát, nhiều hộ đã được hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác, nhưng vẫn khó khăn về nhà ở nên phải đưa ra khỏi danh sách. Trong khi hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 chỉ quy định về rà soát, thẩm định, tổng hợp để phê duyệt danh sách đối tượng hưởng chính sách, chưa có quy định về điều chỉnh hoặc thay đổi danh sách đối tượng được thụ hưởng chính sách, dẫn đến UBND tỉnh không có căn cứ xem xét, phê duyệt điều chỉnh đối tượng thuộc đề án.
Đào Nguyên
Theo