(Xây dựng) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng vừa ký và ban hành Quyết định số 1108/QĐ-UBND, về việc phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung (giai đoạn 2).
Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lăng miếu Triệu Tường tại xã Hà Long, huyện Hà Trung. |
Theo đó, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án: Từ không quá 5 năm (2019-2023) thành; thời gian thực hiện, hoàn thành trong năm 2025. Các nội dung khác, thực hiện theo Quyết định số 1578/QĐ-UBND ngày 15/5/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (chủ đầu tư) có trách nhiệm rà soát, xác định các hạng mục, khối lượng công việc, quyết định việc bổ sung vào hợp đồng các gói thầu; thương thảo với nhà thầu về việc điều chỉnh khối lượng, gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, đảm bảo chất lượng công trình và hoàn thành dự án theo đúng thời gian được gia hạn; chịu mọi trách nhiệm liên quan trước pháp luật, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về mốc thời gian hoàn thành dự án.
Giao UBND huyện Hà Trung có trách nhiệm khẩn trương, quyết liệt trong tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án, hoàn thành xong trong quý II/2024 theo đúng quy định, để bàn giao mặt bằng còn lại cho chủ đầu tư đúng thời hạn cam kết; chịu mọi trách nhiệm liên quan trước pháp luật, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về mốc thời gian hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, giao Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Thanh Hóa; Chủ tịch UBND huyện Hà Trung; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành.
Theo tìm hiểu, Di tích lăng miếu Triệu Tường được vua Gia Long cho xây dựng năm 1803, tại thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, nơi phát tích của 9 chúa, 13 vua triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc tưởng niệm, miếu thờ của vương triều Nguyễn, được xây dựng với quy mô lớn, có giá trị đặc biệt về kiến trúc và nghệ thuật trang trí điêu khắc. Các nhà sử học coi khu di tích này là “kinh thành Huế thu nhỏ”.
Tiến Anh
Theo