(Xây dựng) - Ngày 28/4, tại huyện Triệu Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ công bố 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới sau 10 năm phấn đấu là Triệu Sơn, Nông Cống, Thiệu Hóa và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn trao Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ và tặng hoa cho đại diện lãnh đạo, chính quyền và nhân dân các huyện Triệu Sơn, Nông Cống và Thiệu Hóa (ảnh: VD). |
Tại buổi lễ, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, 3 huyện có 88 đơn vị hành chính cấp xã, chiếm 15,7% số xã của tỉnh. Triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các huyện đều gặp không ít khó khăn.
Với số xã thực hiện xây dựng NTM nhiều, thu nhập bình quân đầu người thấp (Triệu Sơn 13,2 triệu đồng, Nông Cống 11,75 triệu đồng, Thiệu Hóa 13,4 triệu đồng), tỷ lệ hộ nghèo đều trên 21%. Bình quân tiêu chí/xã của các huyện đạt thấp, trong đó Triệu Sơn đạt 5,3 tiêu chí/xã, Nông Cống 5,2 tiêu chí/xã, Thiệu Hóa 5,7 tiêu chí/xã. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, các huyện đã dành hơn 841 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để thực hiện các cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM.
Trong đó, huyện Triệu Sơn huy động 224,9 tỷ đồng, huyện Nông Cống huy động 516,2 tỷ đồng và huyện Thiệu Hóa huy động hơn 100 tỷ đồng. Các xã, thôn cũng chủ động vận động các nguồn lực khác, nhất là nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, con em xa quê tham gia đóng góp với tổng nguồn vốn huy động của 3 huyện đạt 28.122 tỷ đồng, trong đó huyện Triệu Sơn huy động tổng nguồn lực 9.752 tỷ đồng, huyện Nông Cống 9.239 tỷ đồng và huyện Thiệu Hóa 9.129 tỷ đồng.
Từ các nguồn lực huy động, các huyện đã xây dựng hệ kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Từ năm 2010 đến nay, 3 huyện đã đầu tư xây dựng 117km đường huyện, 457,7km đường trục xã, liên xã, 487,5km đường trục thôn, liên thôn; 715,5km đường ngõ xóm, 8.894km đường trục chính nội đồng; 972,9km kênh liên xã và kênh mương nội đồng.
Hạ tầng điện lực được đầu tư đồng bộ với 271 trạm biến áp, 497,5km đường dây trung thế, 365,4km đường dây hạ thế. Các địa phương cũng đầu tư xây dựng 81 công sở và trung tâm văn hóa - thể thao, sân vận động xã, 442 nhà văn hóa thôn, 668 phòng học và phòng chức năng, 59 khu hiệu bộ của trường học các cấp, hàng chục nghìn căn nhà được xây dựng mới. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành giáo dục, y tế, văn hóa được đầu tư đồng bộ, khang trang, đạt chuẩn theo quy định.
Theo ông Lê Đức Giang, 3 huyện cũng chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm của các huyện giai đoạn 2010-2021 đều đạt trên 14%. Chương trình OCOP được các huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Đến nay, đã có tổng số 25 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó Triệu Sơn 12 sản phẩm, Nông Cống 8 sản phẩm, Thiệu Hóa 5 sản phẩm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 3 huyện đến năm 2021 đều đạt trên 48 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo của các huyện giảm nhanh, đến năm 2021, huyện Triệu Sơn còn 0,92%, Nông Cống 0,87% và Thiệu Hóa 0,86%.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới của 3 huyện Triệu Sơn, Nông Cống và Thiệu Hóa thật đáng tự hào, được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận các huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là những phần thưởng cao quý, ghi nhận xứng đáng với những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân 3 huyện.
Hướng tới mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị nhân dân 3 huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhất là chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ, gắn với phát triển đô thị, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ hơn về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghiệp chế biến nông sản và một số ngành công nghiệp có lợi thế. Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống, hướng đến sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, có thương hiệu, đồng thời du nhập, nhân cấy thêm nghề mới phù hợp với thị trường, nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Lệ Quyên - Lê Thảo
Theo