(Xây dựng) - Ngày 9/2, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng chủ trì Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045.
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng chủ trì Hội nghị thẩm định. |
Báo cáo thuyết minh Nhiệm vụ tại Hội nghị, đơn vị tư vấn cho biết, mục tiêu lập quy hoạch là cụ thể hóa những chiến lược, định hướng phát triển của tỉnh và thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa - không gian - đô thị - kiến trúc cảnh quan trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ; Tạo tiền đề nâng loại, phát triển đô thị trở thành đô thị loại II vào năm 2025; Xây dựng phát triển thành phố Điện Biên Phủ trở thành đô thị dịch vụ, du lịch lịch sử, gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững các di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên; Hình thành trung tâm logistics của khu vực; quy hoạch xây dựng làm tiền đề để đầu tư và phát triển; Xây dựng hạ tầng kĩ thuật đô thị hiện đại, đồng bộ.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Điện Biên Phủ với tổng diện tích tự nhiên 30.657,79ha, với 12 đơn vị hành chính bao gồm 07 phường và 05 xã. Ranh giới khu vực quy hoạch được xác định cụ thể: Phía Bắc giáp với huyện Mường Chà; Phía Đông Nam giáp với huyện Điện Biên Đông; Phía Tây và phía Nam giáp với huyện Điện Biên; Phía Đông giáp huyện Mường Ảng.
Quy mô dân số toàn thành phố Điện Biên Phủ là khoảng 81.690 người, tỉ lệ tăng trung bình đạt 1,15%. Trong đó dân số nội thị (07 phường) là khoảng 57.669 người, dân số ngoại thị (05 xã) là khoảng 24.021 người. Mật độ dân số trung bình toàn thành phố là khoảng 265,68 người/km2.
Tổng diện tích sử dụng đất tự nhiên của thành phố Điện Biên Phủ khoảng 30.657,79ha, bao gồm: đất nông nghiệp khoảng 27.330ha; đất phi nông nghiệp khoảng 3.263ha (trong đó: đất ở khoảng 672ha, đất chuyên dùng khoảng 1.648ha; đất nghĩa trang khoảng 81ha, đất sông suối và mặt nước chuyên dùng khoảng 861ha); đất khác (bao gồm đất chưa sử dụng) khoảng 0,47ha.
Mạng lưới đường giao thông trên địa bàn thành phố đang từng bước được đầu tư theo quy hoạch; tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng nội thành khoảng 15,6%; mật độ đường chính đạt khoảng 6,14km/km2.
Về giao thông công cộng, hiện thành phố đang từng bước xây dựng hệ thống giao thông công cộng là các tuyến kết nối với các huyện, lấy các thành phố Điện Biên Phủ làm trung tâm từ đó đi các huyện như: Mường Ảng, Tuần Giáo… và trên các tuyến này, thành phố đã xây dựng các điểm dừng xe buýt để phục vụ hệ thống giao thông công cộng cho thành phố trong tương lai.
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến về những nội dung nghiên cứu lập quy hoạch liên quan đến các lĩnh vực tài chính, quy hoạch, giao thông vận tải, văn hóa, quốc phòng, an ninh… giúp đơn vị tư vấn hoàn thiện Báo cáo thuyết minh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn phát biểu tại Hội nghị. |
Thay mặt UBND tỉnh Điện Biên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn cho biết, các Sở ngành của tỉnh, đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trên cơ sở tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định. Tỉnh sẽ tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn để hoàn thiện nội dung Đồ án.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Vụ trưởng Trần Thu Hằng đánh giá, trong thời gian qua, UBND tỉnh Điện Biên đã rất nỗ lực trong việc hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Đối với Báo cáo thuyết minh, cần làm rõ vị thế, vai trò và mối quan hệ của thành phố Điện Biên Phủ với vùng và khu vực để phát huy tiềm năng, thế mạnh và vai trò của đô thị; nghiên cứu lồng ghép các định hướng quan trọng của Quốc gia, của tỉnh; phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch cần kết nối với các khu vực cận kề để hỗ trợ, chia sẻ các chức năng cùng phát triển cho thành phố; phạm vi lập quy hoạch cần phủ kín địa giới hành chính thành phố sau mở rộng; phát triển các chức năng đô thị cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần có tầm nhìn dài hạn để liên kết chặt chẽ giữa khu vực dự kiến phát triển các chức năng cho thành phố với các khu vực bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử “Chiến trường Điện Biên Phủ”; phát triển hệ thống hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cần đảm bảo tính chất, quy mô để đáp ứng nhu cầu là đô thị loại II; cần có chiến lược sử dụng đất bền vững, tiết kiệm, hiệu quả, tập trung nguồn lực và đầu tư có trọng điểm.
Vụ trưởng Trần Thu Hằng đề nghị UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện Báo cáo thuyết minh, dự thảo, phối hợp với Bộ Xây dựng để trình Thủ tướng xem xét phê duyệt.
Nhật Minh
Theo