(Xây dựng) – Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai các giải pháp cụ thể, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải và các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Ngày đại đoàn kết với nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |
Thực hiện chương trình này trong năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu: Giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh xuống 2%; giảm 2 xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; đường đến trung tâm thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 96,68% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Duy trì tỷ lệ ít nhất 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, hoàn thiện cơ sở vật chất các trường nội trú, bán trú của tỉnh. Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%, học sinh đi học đúng tuổi ở cấp tiểu học đạt 99,3%, cấp trung học cơ sở đạt 99,2%, cấp trung học phổ thông đạt 98%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 99%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số đạt 45,54%.
Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 74,9% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 38,2% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; duy trì 110 trạm y tế/110 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần quan trọng giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi huyện Đồng Hỷ. |
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Thái Nguyên xây dựng kế hoạch vốn và nguồn vốn thực hiện chương trình năm 2024, trong đó tổng kế hoạch vốn thực hiện năm 2024 là hơn 458,1 tỷ đồng (ngân sách Trung ương là 398,4 tỷ đồng và ngân sách địa phương 59,7 tỷ đồng). Vốn kế hoạch năm 2022, 2023 kéo dài thực hiện năm 2024 là 187,2 tỷ đồng (ngân sách Trung ương là 164,5 tỷ đồng; ngân sách địa phương 22,7 tỷ đồng). Chương trình sẽ triển khai thực hiện 10 dự án với 12 tiểu dự án.
Trong đó có nhiều nội dung quan trọng, mang lại giá trị thiết thực cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc…
Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên cũng đề ra các giải pháp thực hiện cụ thể như: Cụ thể hóa các văn bản của Trung ương và hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan; xây dựng, ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện chương trình theo phạm vi thẩm quyền; triển khai hướng dẫn nội dung cụ thể của chương trình đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Thái Nguyên đã và đang triển khai có hiệu quả nhiều nội dung chương trình mục tiêu quốc gia. |
Huy động, tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy hoàn thành các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình, huy động, lồng ghép, bố trí đủ vốn và từng bước tăng chi ngân sách hợp lý để thực hiện chương trình và các chính sách liên quan, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm bao gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội; phát triển y tế, giáo dục đào tạo; bình đẳng giới... nhằm góp phần thực hiện và duy trì bền vững các mục tiêu của chương trình tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (nhất là ở các khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn).
Xây dựng và áp dụng các cơ chế thu hút, tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng, xã hội, các đoàn thể và các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ các nguồn lực về kỹ thuật và tài chính một cách tích cực, hiệu quả.
Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá đồng bộ, toàn diện, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá và thực hiện chương trình.
Việt Hoan
Theo