(Xây dựng) - Sau khi hoàn thành dự thảo, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định công khai lấy ý kiến đông đảo các cơ quan, tổ chức và công dân về Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xác định vai trò của tỉnh Thái Nguyên trong Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội. |
Nhằm mục tiêu thống nhất các nội dung của Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, đồng thời để các giải pháp thực hiện quy hoạch tỉnh có tính khả khi cao, có tính chất tương hỗ, liên kết với các tỉnh trong khu vực và cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định công khai lấy ý kiến đông đảo các cơ quan, tổ chức và công dân về thảo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, các cơ quan, tổ chức và công dân đều có quyền góp ý bằng văn bản, hoặc tham gia trực tiếp vào Dự thảo và gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên trước ngày 10/12/2021.
Tài liệu Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm 09 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 06 huyện (Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Bình), 01 thị xã (thị xã Phổ Yên) và 02 thành phố (thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công), 178 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 137 xã, 32 phường và 09 thị trấn. Theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 (theo Tổng kiểm kê đất đai 5 năm/lần - Quyết định của tỉnh), tổng diện tích tự nhiên tỉnh Thái Nguyên là 352.196ha.
Mục tiêu của Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn tỉnh; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh.
Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại; là trung tâm kinh tế - xã hội, cực tăng trưởng có tác động lan tỏa đối với toàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc; tạo dựng nền kinh tế xanh với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao.
Nguyễn Thành
Theo