(Xây dựng) - Ngày 26/7, tại huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) các xã La Bằng và xã Hoàng Nông đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 điểm du lịch xã La Bằng và Hoàng Nông.
Người dân xã La Bằng và Hoàng Nông góp ý vào dự thảo đồ án quy hoạch. |
Theo dự thảo Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 điểm du lịch xã La Bằng và Hoàng Nông của đơn vị tư vấn đưa ra lấy ý kiến nhân dân, điểm du lịch dân cư mới theo hướng kết hợp với nông nghiệp và du lịch tại xã La Bằng và Hoàng Nông. Quy hoạch sẽ làm cơ sở để lập dự án đầu tư và quản lý, hiệu quả quỹ đất hiện có; đồng thời đồng bộ các hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thương mại và phục vụ du lịch cho nhu cầu ở mới, nâng cao đời sống sinh hoạt hiện trạng tại địa phương.
Bên cạnh đó, đồ án cũng đưa ra phương án quy hoạch các hạng mục sử dụng đất phục vụ cho điểm du lịch, du lịch nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú từ 2- 4 sao, mô hình khai thác du lịch cộng đồng (homestay); quy hoạch định hướng với các mô hình điểm cho phát triển du lịch cộng đồng tạo các điểm nhấn để thu hút khách du lịch tới thăm quan. Mô hình phát triển bền vững kết hợp nông nghiệp với du lịch theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch dựa trên nền tảng công nghệ cao và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương.
Tại hội nghị lấy ý kiến, người dân xã La Bằng và Hoàng Nông đã đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy hoạch chi tiết đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, phù hợp với bản sắc văn hóa của từng dân tộc, phải bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, bảo tồn thiên nhiên, giải quyết việc làm cho người dân trong khu vực, gắn khai thác du lịch bền vững với nền kinh tế tuần hoàn.
Theo tìm hiểu của PV Báo điện tử Xây dựng: La Bằng là địa phương có truyền thống cách mạng hào hùng, nhiều di tích lịch sử đã được ghi dấu. Những di tích lịch sử văn hóa ấy hiện nay đã trở thành niềm tự hào của nhân dân địa phương, là “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống vẻ vang cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. Tiêu biểu trong đó là di tích địa điểm ra đời cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (năm 1936) tại xóm Lau Sau, xã La Bằng đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.
La Bằng còn được biết đến là một trong những vùng chè đặc sản nổi tiếng của Thái Nguyên, với những đồi chè trải dài, nối tiếp nhau không chỉ góp phần tạo không gian cảnh quan hấp dẫn du khách mà còn là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.
Thực hiện Đề án cho thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh du lịch sinh thái Vườn quốc gia Tam Đảo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Du lịch sinh thái Suối Kẹm (thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo) đã được thành lập đầu năm 2017. |
Đặc biệt, xã La Bằng có suối, thác Kẹm là địa điểm sinh thái lý tưởng. Suối Kẹm bắt nguồn từ đỉnh non xanh Tam Đảo. Dòng suối trong vắt, uốn lượn len lỏi chảy qua những ghềnh đá đủ kích cỡ và hình thù hấp dẫn, đẹp mắt.
Xác định những tiềm năng lợi thế của xã La Bằng trong phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, tại Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 09/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về việc xây dựng huyện Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới và cơ bản đạt chuẩn thị xã vào năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã định hướng quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trải nghiệm tại xã La Bằng và xã Hoàng Nông của huyện Đại Từ.
Tỉnh Thái Nguyên cũng đang định hướng xã La Bằng là một trong những địa phương sẽ triển khai xây dựng mô hình điểm về du lịch cộng đồng của tỉnh lộ trình từ năm 2022 - 2025. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện phát triển điểm đến du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2022, trong đó có xã La Bằng huyện Đại Từ. Những định hướng này có thể coi là kim chỉ Nam, hỗ trợ địa phương trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch. Hiện nay, huyện Đại Từ cũng đang hoàn thiện Đề án phát triển khu du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Nguyễn Thành
Theo