(Xây dựng) - Nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa, lũ 2023, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi; quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão.
Tỉnh Thái Nguyên đảm bảo ứng phó ngay khi có sự cố xảy ra, bảo đảm thực hiện việc xử lý sự cố công trình theo phương châm “4 tại chỗ”. |
Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên giao các ngành phối hợp tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước. Đánh giá, rút kinh nghiệm công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Tham mưu củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền các cấp; đề xuất bổ sung các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình thủy lợi. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng, đảm bảo ứng phó ngay khi có sự cố xảy ra, bảo đảm thực hiện việc xử lý sự cố công trình theo phương châm “4 tại chỗ”. Chỉ đạo tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi; tiếp thực hiện xử lý dứt điểm vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước Núi Cốc; chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa Núi Cốc phù hợp với quy định; khẩn trương hoàn thiện bản đồ ngập lụt hạ du đập, hồ chứa Núi Cốc để phục vụ xây dựng, cập nhật điều chỉnh phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; quyết định việc tích nước đối với các đập, hồ chứa nước thuộc trách nhiệm quản lý.
Rà soát phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du, nhất là các kịch bản mưa lớn, cực đoan... Đặc biệt đối với công trình hồ chứa nước Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Công an và các đơn vị có liên quan kiểm tra, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, giải quyết và xử lý dứt điểm vi phạm theo quy định. Tăng cường theo dõi, cập nhật dự báo khí tượng thủy văn và áp dụng các công nghệ tiên tiến hỗ trợ điều tiết hổ chứa thủy lợi phục vụ chỉ đạo, vận hành đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du đập.
Đối với đập, hồ chứa nước có cửa van điều tiết lũ, tổ chức quan trắc 04 lần/ngày và tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ dể chủ động vận hành hồ chứa chống lũ an toàn. Cập nhật thông tin vận hành các hồ chứa tối thiểu 02 lần/ngày trong điều kiện thời tiết bình thường và 04 lần/ngày khi có mưa, lũ (trong trường hợp mực nước hồ cao hơn mực nước thiết kế phải quan trắc tối thiểu 01 lần/giờ). Bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cổ vận hành; bố trí hệ thống thông tin, cảnh báo cho người dân ở hạ du khi xả lũ các hồ chứa…
Bên cạnh đó, kiểm tra, đánh giá tổng thể hiện trạng an toàn công trình trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí để xử lý các đập, hồ chứa nước xung yếu, tránh xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du; trong đó, ưu tiên các đập, hồ chứa có nguy cơ cao xảy ra sự cố vỡ đập, hồ chứa có lưu vực tập trung dòng chảy nhanh.
Tổ chức diễn tập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, đặc biệt là vùng hạ du các đập, hồ chứa nước xung yếu, vùng hạ du là các huyện, thành phố, khu công nghiệp, công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Kiểm tra việc vận hành các công trình thủy lợi trên địa bàn; rà soát và có giải pháp xử lý hạ du gây ách tắc, không đủ khả năng thoát lũ khi vận hành xả lũ của hồ chứa thủy lợi; đánh giá các nội dung không còn phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành nhằm bảo đảm vận hành an toàn công trình và vùng hạ du đập…
Đôn đốc, kiểm tra các công trình đang thi công, đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn; tuyệt đối không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa, lũ. Rà soát, đánh giá nhiệm vụ, công năng của các hồ chứa nước và xây dựng kế hoạch khai thác tổng hợp, đa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn; tổng hợp kết quả kiểm tra, đánh giá an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa, lũ và báo cáo kết quả kiểm tra về UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có phương án sửa chữa, khắc phục.
Các đơn vị khác như: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin hai chiều để khắc phục kịp thời những thiếu sót, tồn tại; tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia xử lý sự cố công trình thủy lợi, đặc biệt là lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn.quan công trình thủy lợi, đặc biệt khi công trình có sự cố xảy ra.
Được biết: Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hệ thống hồ, đập khá lớn với 260 hồ chứa nước và 529 đập dâng. Cùng với chức năng bảo đảm cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, các công trình này còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, thoát lũ, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các công trình hồ chứa nhỏ đã xuống cấp.
Nguyễn Thành
Theo