(Xây dựng) - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng vừa ký ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 23/5/2022 về việc chủ động sẵn sàng ứng phó với mưa lũ.
Lực lượng chức năng thành phố Phổ Yên tìm kiếm một cháu bé mất tích, nhà gần suối, nghi bị đuối nước do nước suối dâng cao vì mưa lũ (Ảnh: Báo Thái Nguyên). |
Nhiều địa phương của Thái Nguyên bị thiệt hại do mưa lớn kéo dài
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên: Tại huyện Đại Từ và Định Hóa, mưa to đã gây ngập úng khoảng 51,5ha lúa, 1,5ha cây màu và 7ha chè; làm vỡ 01 ao nuôi cá truyền thống với mức thiệt hại khoảng 2 tấn; một số cầu tràn của hai huyện bị ngập sâu.
Tại một số hồ chứa của huyện Đại Từ (Đoàn Ủy, Suối Diễu, Phú Xuyên, Gò Miếu…) mực nước đã vượt qua ngưỡng tràn. Ngoài ra, tại Đại Từ, 1 hộ dân bị nứt nhà, sạt lở 13m mái taluy âm sát mép Đường 263B và 2 điểm đường giao thông thuộc xã Minh Tiến. Tại thành phố Phổ Yên cũng xảy ra ngập úng hơn 400ha lúa ở các địa bàn: Phúc Thuận, Thành Công, Đông Cao... ước thiệt hại trên 60 triệu đồng.
Trận mưa lớn kéo dài từ ngày 22 đến nay đã làm ngập úng một số tuyến đường nội thị thành phố Thái Nguyên. |
Mưa lớn cũng khiến 1 xe máy của người dân ở xóm 5, xã Phúc Thuận bị cuốn trôi; điểm trường THCS Thành Công bị đổ cột tường, dầm nhà cấp 4; nhiều tuyến đường giao thông tại các phường: Đồng Tiến, Nam Tiến, Bãi Bông... bị chia cắt, cô lập.
Các cơ quan chức năng của các địa phương đã khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện kiểm tra, rà soát đánh giá sơ bộ mức độ thiệt hại để có phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân. Đồng thời, căng dây, dựng biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí cầu tràn bị ngập, bố trí lực lượng canh gác không cho người dân và các phương tiện giao thông qua lại khi chưa đảm bảo an toàn.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, các sông suối trên địa bàn tỉnh hiện đang xuất hiện một đợt lũ với biên độ từ 1,5-3m; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, đô thị của 9 huyện, thành phố trong tỉnh; đặc biệt là các khu vực xung quanh dãy Tam Đảo (bao gồm các huyện Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương và các thành phố Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) với mức cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 1.
Mưa lớn kéo dài liên tục đã khiến một số địa phương tại xã Bình Sơn ở thành phố Sông Công bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông và thiệt hại về sản xuất nông nghiệp. |
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cũng nhấn mạnh: Tháng 5 năm nay, Thái Nguyên có tổng lượng mưa cao hơn từ 10-20% so với cùng kỳ nhiều năm trước. Trạm thủy văn Gia Bẩy (thành phố Thái Nguyên) và Trạm thủy văn Chã (thành phố Phổ Yên) ghi nhận các trận lũ nhỏ, biên độ lũ lên từ 1-3m. Dự báo tháng 6 có xuất hiện đỉnh lũ ở mức báo động cấp I, cấp II.
Hiện nay, do mưa lớn, mực nước tại Hồ Núi Cốc (Đại Từ) đang dâng cao. Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên đã thực hiện mở tràn xả lũ lúc 15 giờ ngày 23/5 với lưu lượng từ 100 đến 300 m3/s và có thể tăng lên 600 m3/s hoặc lớn hơn tùy tình hình mưa lũ, do đó, các địa phương thuộc khu vực thượng lưu và hạ du hồ Núi Cốc cần đề phòng ngập úng; các tổ chức, cá nhân chủ động có phương án trong sản xuất, sinh hoạt, không thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, gieo cấy trong lòng hồ và vùng bán ngập từ cao trình +46,2m đến +48,25m.
Chủ động sẵn sàng ứng phó mưa lũ
Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản và tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng vừa ký ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 23/5/2022 về việc chủ động sẵn sàng ứng phó với mưa lũ. Nội dung công điện nêu rõ: Từ chiều tối 22 đến nay, trên địa bàn Thái Nguyên đã xảy ra mưa to đến rất to.
Dự báo những ngày tới các khu vực trong tỉnh sẽ tiếp tục có mưa to, rất to, có khả năng xảy ra lũ, sạt lở đất đá, ngập úng cục bộ… Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 13/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời nhấn mạnh:
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện: Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, UBND thành phố Thái Nguyên và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn đối với các mỏ khai thác khoáng sản, bãi đổ thải, hồ chứa bùn thải, đặc biệt là đối với các khu vực mỏ có nguy cơ mất an toàn như: Mỏ than Minh Tiến, Mỏ sắt Trại Cau, Mỏ than Phấn Mễ, Mỏ than Khánh Hòa, Mỏ sắt Tiến Bộ, Mỏ sắt Đại Khai, Mỏ than Bá Sơn…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngay Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên kiểm tra, điều tiết các hồ chứa thủy lợi, đảm bảo vận hành khoa học, hiệu quả, an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ lưu, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
UBND các huyện, thành phố: Triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, khu vực hầm lò, khai thác khoáng sản; triển khai ngay phương án sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét; sạt nở đất đá các mỏ khai thác khoáng sản, bãi đổ thải, hồ chứa bùn thải… đến nơi an toàn.
Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; triển khai lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Tiếp nhận, truyền tải thông tin xả lũ hồ chứa nước đến người dân trong khu vực hạ du có nguy cơ bị ảnh hưởng để chủ động phòng tránh, ứng phó. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả do mưa, lũ gây ra.
Việt Hoan – Đình Lộc
Theo